ANDON LÀ GÌ? ANDON HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Ngay cả những dây chuyền sản xuất hiện đại nhất đôi khi cũng gặp phải vấn đề. Đó chính là thời điểm ta cần đến Andon. Andon là một hệ thống cảnh báo nhanh chóng cho người vận hành về sự cố trong dây chuyền. Cảnh báo này ngay lập tức này cho phép khắc phục sự cố tại chỗ để dây chuyền sản xuất có thể trở lại hoạt động bình thường.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về hệ thống Andon, một phương pháp đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Andon là gì?

Andon, trong tiếng Nhật có nghĩa đen là đèn lồng giấy – 行 灯, là một tín hiệu được sử dụng để cảnh báo về một sự thay đổi trạng thái quan trọng, một hoạt động đã thất bại hoặc đang hoạt động kém tối ưu.

Andon có thể là một cảnh báo bằng đèn, màn hình hiển thị hoặc một cảnh báo bằng âm thanh. Mục đích của Andon là cảnh báo người lao động ngừng ngay lập tức những gì họ đang làm và chuyển sang khắc phục sự cố.

Andon bắt nguồn từ phương pháp Jidoka được sử dụng trong Hệ thống sản xuất Toyota, phương pháp cho phép người lao động có thể nhận ra các vấn đề và chủ động dừng công việc mà không cần chờ cấp quản lý đưa ra quyết định.

Ban đầu, người điều khiển sẽ kéo sợi dây Andon để báo động có vấn đề và dừng dây chuyền sản xuất. Về sau, Andon được phát triển thành nhiều hình thức như nhấn nút báo động, thay đổi hiển thị hoặc có thể được tự động kích hoạt khi phát hiện sự cố.

Với Andon, trọng tâm là xác định nguyên nhân gốc rễ của sự cố nhằm tìm ra giải pháp nhanh nhất dựa trên hai nguyên tắc cơ bản:

  • Andon cảnh báo con người rằng có một vấn đề.
  • Andon cho phép con người dừng một quá trình và ngăn chặn lỗi tiếp tục xảy ra.

Andon hoạt động như thế nào?

Ban đầu, Toyota đã áp dụng thuật ngữ này cho bảng Andon của mình, một tấm biển khổng lồ treo trong nhà máy và hiển thị trạng thái của từng bộ phận trong dây chuyền lắp ráp.

Dấu hiệu trực quan này rất quan trọng vì nó khiến công nhân hiểu được ý nghĩa một cách nhanh chóng. Đối với một thông báo toàn bằng chữ thì nhiều người sẽ dễ bỏ qua, tuy nhiên, đối với các cảnh báo bằng ánh sáng thì vấn đề được thông báo ngay lập tức, không lãng phí thời gian.

Hầu hết các bảng Andon sử dụng quy tắc mã màu như sau:

Màu xanh lá cây: Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Các dây chuyền sản xuất đang tiếp tục.

Màu vàng: Đã phát hiện sự cố. Một người ngay lập tức được cử đến để giải quyết vấn đề trong một khoảng thời gian nhất định.

Đỏ: Có vấn đề. Người quản lý đã không thể khắc phục sự cố. Dây chuyền sản xuất dừng cho đến khi sự cố được khắc phục.

Andon cũng có thể hữu ích khi có một tín hiệu âm thanh đi kèm với màu sắc để thu hút thêm sự chú ý. Ví dụ: đèn cảnh báo ở máy sẽ bật màu đỏ kèm theo tiếng kêu khi máy bị trục trặc, không thể hoạt động bình thường.

Andon cảnh báo có vấn đề có thể thực hiện một cách thủ công, nhưng cũng có thể áp dụng cảm biến tự động khi phát hiện vấn đề. Nếu sự cố không được giải quyết đủ nhanh, hệ thống Andon sẽ tự động dừng dây chuyền sản xuất cho đến khi tìm thấy giải pháp. Các bảng Andon được kích hoạt tự động là một lựa chọn thay thế tốt cho việc phát hiện các vấn đề mà công nhân có thể bỏ sót nếu thực hiện thủ công.

Sử dụng Andon có lợi ích gì?

  • Quy trình minh bạch cao hơn dẫn đến hiệu quả tốt hơn
  • Ít lỗi hơn, ít thời gian chết hơn, ít lãng phí hơn và chi phí thấp hơn
  • Tăng chất lượng sản phẩm, tăng thêm sự thỏa mãn của khách hàng.
  • Người lao động được trao quyền, hạnh phúc và gắn bó lâu dài với công ty hơn, từ đó, tạo ra chất lượng sản phẩm cao hơn và duy trì sự ổn định của quy trình
  • Khuyến khích giải quyết vấn đề sáng tạo và nhanh chóng.

Giống như Poka-Yoke, sử dụng Andon giúp người lao động nâng cao nhận thức về chất lượng và hình thành nên quan điểm chất lượng là trên hết.

Chúng ta cũng thường bắt gặp Andon trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ: khi có cảnh báo nhấp nháy ánh sáng trên bảng điều khiển ô tô, báo hiệu một vấn đề với chiếc xe, buộc chúng ta phải lái xe đến trạm dịch vụ gần nhất để làm cho nó giải quyết.

Đèn tín hiệu giao thông cũng là một dạng andon.

Andon phát huy hiệu quả tốt nhất trong môi trường như thế nào?

Andon sẽ không hoạt động trong môi trường chỉ huy và kiểm soát

Andon có phải là một trong những công cụ nâng cao chất lượng sản phẩm hay không còn tùy thuộc vào nền văn hóa và cam kết từ lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo khuyến khích người lao động đưa ra các vấn đề để chúng có thể được giải quyết, thì Andon sẽ làm nên điều kỳ diệu. Nhưng trong môi trường mang nặng tính chỉ huy và kiểm soát, nơi không có chỗ cho lỗi hoặc trục trặc, thì các vấn đề khó có thể được đưa ra.

Bởi nếu công nhân đưa ra vấn đề, họ sẽ bị khiển trách nặng nề vì sao lại để xảy ra lỗi. Thậm chí, người lao động cũng không có cơ hội nói lên ý kiến của mình vì họ không được đào tạo về phân tích và giải quyết vấn đề. Mọi ý kiến mà họ đưa ra đều bị người quản lý phản bác.

Vì thế, khi có vấn đề, đương nhiên người công nhân sẽ tìm mọi cách để giấu chúng. Điều đó khiến tổ chức dần dần rơi vào khủng hoảng về chất lượng.

Trong một nền văn hóa chỉ huy, áp đặt và thiếu sự cam kết của lãnh đạo, các công cụ sản xuất tinh gọn sẽ không thể phát huy được hiệu quả tối đa như nó vốn có.

17/08/2021

Nomuda.

One thought on “ANDON LÀ GÌ? ANDON HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Leave a Reply