Khi số lượng đặt hàng có biến động lớn, chúng ta cần xác định takt time để vừa đáp ứng đủ đơn hàng, vừa tránh sản xuất dư thừa. Đa số người quản lý đều nhận thức được rằng duy trì sản xuất ổn định là một vấn đề khó khăn. Trong sản xuất tinh gọn có một phương pháp gọi là Heijunka cho phép bạn tối ưu hóa năng lực sản xuất của mình để đáp ứng nhu cầu đặt hàng một cách phù hợp nhất.
Heijunka là gì?
Heijunka được định nghĩa là một kỹ thuật để giảm sự không đồng đều trong quá trình sản xuất, từ đó làm giảm lãng phí.
Đó là một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là “bình chuẩn hóa” và là một phương pháp sản xuất tinh gọn được Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) sử dụng đầu tiên để tăng hiệu quả sản xuất. Toyota nhận ra rằng nhu cầu về sản phẩm luôn biến động và hệ thống sản xuất không thể đáp ứng liên tục các đơn đặt hàng lẻ tẻ mà không phải chịu sự biến động về công suất. Nếu Toyota duy trì sản xuất vừa đúng theo đơn đặt hàng, họ sẽ phải chấp nhận sản xuất không ổn định, chất lượng không phù hợp, đôi lúc dư thừa, đôi lúc lại quá tải về máy móc và nhân lực, tất cả đều dẫn đến lãng phí.
Heijunka cho phép sản xuất sản phẩm với tốc độ ổn định, đối ứng được tốt với những biến động lớn về đơn hàng.
Chúng ta có thể thực hiện heijunka theo 2 cách:
- Bình chuẩn hóa theo số lượng sản phẩm.
- Bình chuẩn hóa theo loại sản phẩm.
Bình chuẩn hóa theo số lượng sản phẩm.
Nếu chọn phương pháp này, ta cần cân bằng sản lượng của mình theo số lượng trung bình của các đơn đặt hàng nhận được.
Ví dụ: nếu công ty nhận được 500 đơn đặt hàng áo sơ mi xám mỗi tuần, nhưng số lượng áo sơ mi biến động theo ngày trong tuần, thì việc cân bằng sản xuất theo số lượng sẽ giúp bạn có thể kiểm soát hàng tồn kho ở mức tối ưu nhất. Giả sử bạn nhận được yêu cầu giao hàng với số lượng sau:
Thứ hai: 200 áo sơ mi
Thứ ba: 100 áo sơ mi
Thứ tư: 50 áo sơ mi
Thứ năm: 50 áo sơ mi
Thứ sáu: 100 áo sơ mi.
Nếu bạn sắp xếp sản xuất vừa đủ với số lượng giao hàng thì sẽ gặp phải tình trạng quá tải vào thứ hai và dư thừa công suất vào thứ tư và thứ năm.
Để duy trì sản xuất ổn định, đối với kỹ thuật heijunka theo số lượng, chúng ta sẽ tạo tồn kho 100 áo sơ mi và sản xuất mỗi ngày 100 áo.
Bình chuẩn hóa theo loại sản phẩm.
Trên thực tế, có thể ta sẽ không tạo ra cùng một sản phẩm chính xác mỗi ngày.
Ví dụ: Công ty nhận được nhiều loại đơn đặt hàng áo sơ mi màu mỗi tuần. Một tuần, bạn nhận được đơn đặt hàng áo sơ mi màu cam, đỏ, xám và đen. Một công ty sản xuất hàng loạt điển hình với mục tiêu giảm thiểu lãng phí xoay quanh việc thay đổi thiết bị, vì vậy công ty này sắp xếp lịch trình sản xuất là sản xuất hết đơn hàng áo màu cam rồi mới đến áo đỏ, xám và đen.
Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng thường xuyên thay đổi số lượng đặt hàng thì sẽ ra sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu số lượng áo sơ mi màu cam đột ngột giảm xuống sau khi bạn đã sản xuất hết đơn hàng áo màu cam rồi?
Chắc chắn điều này sẽ khiến người sản xuất lâm vào tình trạng sản xuất dư thừa – loại lãng phí tệ hại nhất trong 7 loại lãng phí.
Để tránh loại lãng phí này, lịch trình sản xuất bình chuẩn hóa có thể sắp xếp là: xen kẽ các đơn hàng áo sơ mi màu cam, màu đỏ, xám và đen chứ không sản xuất một lần là hết luôn cả đơn hàng. Lịch trình sản xuất này cần được bố trí sao cho phù hợp với số lượng giao hàng theo ngày và thời gian thay đổi thiết bị.
Heijunka và Just in Time (JIT)
Heijunka thường được đề cập đến cùng với kỹ thuật sản xuất tinh gọn Just In Time (JIT). Cả hai khái niệm này đều cố gắng điều chỉnh hàng tồn kho. Tuy nhiên, JIT không quy định về bình chuẩn hóa sản xuất mà thay vào đó quy định rằng các sản phẩm phải được sản xuất khi cần và đúng với số lượng yêu cầu. Heijunka nhắm tới mục đích cân bằng số lượng và loại sản phẩm được sản xuất.
Chúng ta hãy cùng xem sự khác biệt của hai phương pháp như bảng dưới đây:
JIT | Heijunka |
Đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng | Đáp ứng tổng số lượng đặt hàng của khách hàng trong một giai đoạn sản xuất. |
Giữ mức tồn kho thấp nhất có thể | Sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để bù đắp cho khoảng thời gian có đơn hàng số lượng lớn |
Chịu sự biến động lớn nếu khách hàng thay đổi đột ngột số lượng đặt hàng | Giữ cho sản xuất ổn định, làm giảm hàng tồn kho ở toàn bộ chuỗi cung ứng. |
Làm thêm giờ thường xuyên | Không mấy khi phát sinh làm thêm giờ |
Cách triển khai Heijunka
Có ba yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai heijunka:
Tính linh hoạt:
Heijunka yêu cầu sản xuất nhiều loại sản phẩm trong bất kỳ khung thời gian nhất định. Ví dụ: bạn cần sản xuất 200 chiếc áo sơ mi cam trong 1 đơn hàng 600 chiếc, sau đó chuyển sang áo sơ mi xám. Điều này khiến bạn phải thay đổi nguyên liệu vào máy 2 lần trong 1 ngày. Thời gian thay đổi phải được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất sao cho số lượng sản xuất của mỗi loại có thể đáp ứng được theo kế hoạch. Nếu việc thay đổi thiết bị chiếm quá nửa thời gian sản xuất, Heijunka sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tính ổn định:
Quy trình sản xuất ổn định là chìa khóa để heijunka hoạt động hiệu quả. Ví dụ: xác định được số lượng áo sơ mi trung bình của mỗi màu cần được sản xuất trong mỗi khung thời gian để đảm bảo quá trình sản xuất duy trì ổn định.
Khả năng dự đoán số lượng đặt hàng:
Như đã đề cập trước đó, khi không thể biết chính xác số lượng đặt hàng, ta cần có phương pháp về dự báo đặt hàng của khách hàng (forecast). Dự báo không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng có một thước đo về lượng sản phẩm được đặt hàng sẽ tốt hơn là không có gì khi đưa ra lịch trình sản xuất.
Lợi ích của Heijunka
Mục tiêu của các nhà sản xuất là đáp ứng đơn hàng của khách hàng một cách suôn sẻ và dễ dự đoán nhất có thể, mặc dù hành vi mua hàng của khách hàng thường không thể đoán trước được. Việc điều chỉnh tỷ lệ sản xuất của bạn với nhu cầu của khách hàng một cách chặt chẽ nhất có thể giúp tạo ra một quy trình sản xuất ổn định và giảm thiểu lãng phí. Heijunka mang lại các lợi ích sau:
- Giảm lượng hàng tồn kho dư thừa: Có một nhà kho chứa đầy hàng tồn kho dư thừa là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất. Heijunka cố gắng triệt tiêu tình trạng sản xuất thừa thông qua việc bình chuẩn hóa theo loại sản phẩm.
- Hệ thống sản xuất kéo: Heijunka giúp giảm thiểu lãng phí thông qua hệ thống sản xuất kéo, yêu cầu vật liệu chỉ được thay thế khi chúng được sử dụng. Hệ thống kéo giảm chi phí bằng cách không mua vật liệu khi không cần thiết, ngay cả khi giá vật liệu rất thấp và có thể được sử dụng để tạo kho dự trữ sau này. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí trong khâu vận chuyển và dự trữ hàng.
19/08/2021
Nomuda.
Stay informed on global happenings, policy changes, and
game results. Our expert team bring you real-time updates around
the clock. Urban dictionary