Khi thị trường ngày càng trở nên bão hòa, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, cách duy nhất để các nhà sản xuất có thể tồn tại là cung cấp cho khách hàng nhiều giá trị hơn đối thủ của mình.
Lập sơ đồ chuỗi giá trị là một phương pháp quản lý tinh gọn cho phép bạn hình dung, phân tích và cải thiện tất cả các bước trong quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm
Sơ đồ chuỗi giá trị – value stream mapping nghĩa là gì?
Sơ đồ chuỗi giá trị cho phép bạn tạo hình ảnh trực quan chi tiết về tất cả các bước trong quy trình làm việc của mình. Nó là đại diện của dòng hàng hóa từ nhà cung cấp đến khách hàng qua hoạt động của tổ chức.
Sơ đồ chuỗi giá trị hiển thị tất cả các bước quan trọng trong quy trình làm việc để cung cấp giá trị từ đầu đến cuối. Nó cho phép bạn trực quan hóa mọi nhiệm vụ mà nhóm của bạn đang thực hiện và cung cấp các báo cáo sơ bộ về thời gian thực hiện của từng nhiệm vụ.
Điều quan trọng cần lưu ý là khách hàng chỉ quan tâm đến giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ đối với họ, chứ không phải bạn đã nỗ lực sản xuất ra nó đến đâu hoặc giá trị có thể mang lại cho những khách hàng khác là gì. Sơ đồ chuỗi giá trị đã tập trung vào điều này.
Tuy nhiên, khi nói đến việc lập sơ đồ chuỗi giá trị, một số bước có thể không mang lại giá trị trực tiếp cho khách hàng nhưng giúp đảm bảo rằng bạn sẽ cung cấp sản phẩm/dịch vụ hoàn thiện nhất. Ví dụ như bước kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Tất nhiên, khách hàng sẽ không trả tiền cho bạn để thực hiện bước kiểm tra này, nhưng nếu bạn cung cấp sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hoặc kỳ vọng của họ, họ sẽ dần dần không còn muốn mua hàng của bạn nữa.
Một trong những phương pháp truy tìm lãng phí là vẽ một sơ đồ chuỗi giá trị ở trạng thái hiện tại và sau đó mô hình hóa một cách tốt hơn với sơ đồ ở trạng thái tương lai hoặc trạng thái lý tưởng. Bạn có thể bắt đầu phác thảo bằng tay và hoặc dùng phần mềm.
Lịch sử của sơ đồ chuỗi giá trị
Ví dụ về sơ đồ thể hiện luồng vật liệu và thông tin được ghi chép trong một cuốn sách năm 1918 có tên là “Installing Efficiency Methods” của Charles E. Knoeppel. Sau đó, kiểu sơ đồ này được liên kết với Hệ thống sản xuất Toyota – hệ thống được ca ngợi trong phong trào sản xuất tinh gọn. Mặc dù vậy, ở Toyota, nó thường được gọi là bản đồ luồng thông tin và vật liệu, bản đồ quy trình hoặc các tên khác, không phải là sơ đồ chuỗi giá trị.
Những người được ghi nhận là đã tạo ra Hệ thống Sản xuất Toyota, bắt đầu nghiên cứu về nó một cách nghiêm túc từ những năm 1950, bao gồm: Shigeo Shingo (1909-1990), một kỹ sư công nghiệp Nhật Bản, cố vấn Toyota; giám đốc điều hành Toyota Taiichi Ohno (1912-1990); Kiichiro Toyoda (1894-1952) và Eiji Toyoda (1913-2014).
Đến những năm 1990, khi các phương pháp sản xuất tinh gọn trong sản xuất và các lĩnh vực khác đang lan rộng sang Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, “Sơ đồ chuỗi giá trị” ngày càng trở thành một thuật ngữ phổ biến đối với họ và trở thành trung tâm của phương pháp luận tinh gọn ở nhiều nơi. Sự phổ biến của nó bắt đầu phát triển nhanh hơn sản xuất và cuối cùng lan rộng sang các ngành công việc tri thức khác như phát triển phần mềm, hoạt động công nghệ thông tin, tiếp thị và nhiều ngành khác.
Lợi ích của việc lập sơ đồ chuỗi giá trị
Lập sơ đồ dòng giá trị là một phương pháp mạnh mẽ để loại bỏ lãng phí trong bất kỳ quy trình nào, không chỉ sản xuất. Đó là mục đích cốt lõi của nó. Bạn cần trình bày chi tiết từng bước quy trình và đánh giá cách nó tăng thêm giá trị — hoặc không tăng thêm giá trị — dưới con mắt của khách hàng.
Việc tập trung vào giá trị giúp phân tích của bạn nhắm vào những gì thực sự quan trọng, cho phép công ty cạnh tranh hiệu quả. Phương pháp này có thể và nên được sử dụng để cải tiến liên tục, khiến cho hoạt động ở từng công đoạn trở nên hiệu quả hơn. Sơ đồ chuỗi giá trị cho phép bạn tìm ra không chỉ là lãng phí mà còn thấy được nguồn gốc và nguyên nhân của lãng phí.
Sơ đồ chuỗi giá trị là một công cụ hiệu quả để giao tiếp, cộng tác và thậm chí là thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Người ra quyết định có thể hình dung rõ ràng trạng thái hiện tại của cả quá trình và nơi xảy ra lãng phí. Họ có thể thấy các vấn đề như chậm trễ, thời gian ngừng hoạt động quá lâu, và các vấn đề về hàng tồn kho.
Mặc dù mục đích chính là loại bỏ lãng phí, lập sơ đồ chuỗi giá trị cũng có thể được nhìn nhận ở góc độ gia tăng giá trị. Đó là điều mà khách hàng quan tâm.
Loại bỏ lãng phí là cách để gia tăng thêm giá trị cho khách hàng, chẳng hạn như giá thấp hơn, sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Giá trị mới là thứ mà khách hàng sẵn sàng trả tiền.
Nguồn tham khảo: kabanize.com
11/09/2021
Nomuda