Trong đợt dịch này, tôi chứng kiến khá nhiều công ty buộc phải cho nhân viên tạm hoãn hợp đồng hoặc thậm chí là ngừng việc. Người mất việc, lẽ dĩ nhiên sẽ lập tức rơi vào tình trạng thất nghiệp, đa phần cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì trong thời gian này, tìm được công việc mới không phải là chuyện dễ. Trong số những người bị ngừng việc, lạ ở chỗ là có không ít nhân viên trình độ chuyên môn phải nói là thuộc vào loại xuất sắc.
Vậy nguyên nhân là vì sao?
Có phải năng lực là tấm vé duy nhất đảm bảo cho thành công trong sự nghiệp như người ta vẫn thường nói hay không?
Trên thực tế, những nhân viên giỏi chuyên môn chưa chắc đã là những nhân viên tốt nếu như họ mắc phải một số sai lầm sau đây.
1. Là người cực kỳ thích tranh luận, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Có một anh chàng nọ, anh ta công khai tranh cãi với sếp mình vì anh ta thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và anh ta luôn khoe khoang về bề dày kinh nghiệm của mình trong tất cả các cuộc tranh luận. Một cuộc tranh luận có thể rất có ích đối với những vấn đề cần làm sáng tỏ. Tuy nhiên, anh ta khiến mọi người căng thẳng với giọng nói lớn đi kèm với một thái độ thái quá của mình. Mỗi người đều có quan điểm khác nhau, nhưng cách mà anh ta tranh luận khiến cho môi trường làm việc dần trở nên độc hại.
Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân góp phần vào quyết định ngừng việc của anh ta.
2. Thiếu tập trung, lơ đãng trong công việc.
Cho dù bạn thực sự giỏi chuyên môn, nhưng không có nghĩa là bạn biết mọi vấn đề, nghiệp vụ trong công ty. Tôi từng chứng kiến một số người mới vào công ty, họ có bằng cấp cao và cũng rất thông minh nhưng lại thích nghi chậm với môi trường mới. Nguyên nhân là do họ thiếu tập trung. Mặc dù, tôi đã kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi của họ và hi vọng nó sẽ giúp ích cho họ trong công việc nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng mình đã lãng phí thời gian khi thấy họ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi tương tự.
Những người này khiến đồng nghiệp khó chịu, và vì thiếu tập trung, năng suất và thành tích của họ cũng không cao.
3. Là người thiếu tinh thần hợp tác.
Nếu phải chọn giữa một người có kỹ năng cao nhưng rất khó làm việc cùng và một người không có nhiều kỹ năng lắm nhưng rất hợp tác thì tôi thà chọn người không có nhiều kỹ năng. Tôi không muốn hàng ngày bị đày ải bởi những cơn khó chịu khi làm việc với người thiếu hợp tác. So với việc bực tức hàng ngày thì việc ngồi xuống và đào tạo một người dễ làm việc cùng đơn giản hơn nhiều.
Nếu một người có kỹ năng cao và vì điều đó họ nghĩ rằng có thể “chảnh” trong công việc thì đó là một sai lầm lớn. Ai cũng sẽ nhận ra điều đó và chẳng sớm thì muộn, khi đào tạo được người thay thế, anh ta sẽ bị chuyển đổi sang vị trí khác, ít quan trọng hơn.
4. Có tính tự ái quá cao.
Một số người tự hào về kỹ năng của họ đến mức họ không thể chịu đựng nổi những lời nhận xét, góp ý dù là nó mang tính xây dựng.
Cho dù giỏi đến đâu đi chăng nữa, không ai có thể thấy hết được nhược điểm của mình. Việc tỏ ra khó chịu và từ chối tiếp thu những lời góp ý khiến họ không thể phát triển kỹ năng hơn nữa, thêm vào đó, thái độ của họ trước những ý kiến đóng góp bên ngoài khiến cho họ dần trở nên bị cô lập.
Đôi khi những người này sẽ cảm thấy nản và nghỉ việc trước khi chính thức bị công ty sa thải.
Đương nhiên, tôi không cho rằng cứ lắm tài thì nhiều tật, có nhiều người vừa giỏi, thái độ lại cũng rất tuyệt vời. Những nhân tài 2 trong 1 này thường có sự nghiệp rất thăng tiến. Thế nhưng, không phải nhân viên giỏi chuyên môn nào cũng nhận ra nhược điểm của mình. Đa phần họ luôn cho rằng mình đúng, và thế là họ cũng thường oán trách số phận, oán trách đồng nghiệp và sếp khi mãi dậm chân một chỗ, mà không bao giờ nhận ra, tất cả nguyên nhân đều nằm ở bản thân mình.
Nomuda.
Bài viết rất thực tế, tôi cũng đồng cảm với tác giả.
Cám ơn bạn rất nhiều!