Rất ít công ty sản xuất có đủ khả năng tài chính để quản lý toàn bộ quy trình vận chuyển sản phẩm từ cơ sở sản xuất của họ đến từng người dùng cuối cùng. Thêm vào đó, việc quản lý thiết bị, nhân công và cơ sở hạ tầng kho bãi, vận chuyển và giao hàng đến nhiều địa điểm với tần suất thay đổi trong khi vẫn giữ đúng tiến độ sản xuất là điều vô cùng khó khăn.
Trong thời đại quản lý hàng tồn kho Just In Time và giao hàng over night, quản trị Logistic, bản thân nó đã là một ngành đầy tính nghệ thuật và khoa học. Một số loại hình công ty hậu cần đã ra đời để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số công ty hoạt động chuyên về một giai đoạn nào đó của chuỗi cung ứng trong khi những công ty khác cung cấp dịch vụ đa dạng hơn.
Đối với người gửi hàng, điều quan trọng nhất là đảm bảo sản phẩm đến đúng nơi, không bị hư hại và đúng thời gian với chi phí thấp nhất. Để đáp ứng điều này, một số các công ty trong lĩnh vực logistic đã ra đời. Nhìn chung, ta có thể phân loại các công ty này gồm 4 nhóm sau:
- Công ty vận tải
- Công ty giao nhận
- Hãng vận chuyển
- Nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ 3 (3PL)
Chức năng của các công ty này là gì và chúng khác nhau như thế nào?
1. Công ty vận tải (Freight companies)
Các công ty vận tải hàng hóa cung cấp dịch vụ gì?
Họ tập trung chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ Điểm A đến Điểm B.
Dịch vụ công ty vận tải cung cấp phổ biến nhất là vận tải đường bộ. Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy các công ty này được các nhà sản xuất thuê để vận chuyển hàng hóa giữa các nhà máy. Đôi khi, hàng hóa được lưu giữ trên xe tải qua hàng chục công ty ở các khu công nghiệp khác nhau mới đến được người mua cuối cùng. Các công ty vận tải này thường vận chuyển 2 chiều, chiều đi giao hàng hóa và một chiều về trả lại hộp trống, khay, pallet của hàng hóa đã giao từ những lần trước. Họ cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường mất mát nếu số liệu đối chiếu nguyên liệu đóng gói trên phiếu giao nhận chênh lệch so với thực tế.
2. Công ty giao nhận (Forwarder)
Công ty giao nhận hàng hóa cung cấp dịch vụ gì?
Họ cung cấp các dịch vụ thông quan, chuẩn bị hồ sơ chứng từ, thuê container, làm việc với cảng vụ, thuê hãng tàu… họ sẽ phải sử dụng các phương pháp tốt nhất và ít tốn kém nhất để vận chuyển hàng hóa của người gửi hàng cả trong nước và quốc tế. Các công ty này có thể thay mặt người gửi hàng đóng vai trò đại lý hoặc là người đại diện xử lý tất cả các tài liệu và quản lý vận chuyển hàng hóa từ người sản xuất đến khách hàng. Người giao nhận thương lượng giá cả với các hãng vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không và thay mặt người gửi hàng ký kết các hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Do ký hợp đồng đặt chỗ với các hãng tàu với khối lượng lớn, họ thường được ưu tiên gửi hàng với cước phí rất thấp. Đây cũng là ưu điểm khiến người gửi hàng chọn gửi hàng qua các công ty giao nhận chứ không book trực tiếp với hãng tàu.
Đôi khi họ cung cấp thêm các dịch vụ thanh khoản thuế nhập khẩu, lấy giấy chứng nhận C/O…
Forwarder phải có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực giao nhận cũng như hiểu biết các thủ tục “ngầm” khi làm thủ tục hải quan. Không lấy làm lạ khi rất nhiều forwarder có mối liên hệ chặt chẽ với hải quan, vì vậy họ chiếm được lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ thông quan và giải phóng hàng nhanh chóng.
3. Hãng vận chuyển (Carriers)
Hãng vận chuyển (Carriers) thường được dùng cho các công ty cung cấp dịch vụ vận tải đường biển hoặc đường không.
Các hãng này thường sở hữu các phương tiện vận chuyển cỡ lớn.
Hiện tại, khi tình trạng khan hiếm container đang tiếp diễn, giá cước đường biển vẫn đang có xu hướng tăng cao. Có vẻ như các hãng vận chuyển đang ở trong một giai đoạn tăng trưởng doanh thu khá tốt.
4. Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ 3 (3PL)
Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ 3 (3PL) – third party logistic – có thể hoạt động như một bộ phận Logistic trong nội bộ một doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp sản xuất giải phóng nguồn lực để tập trung vào năng lực cốt lõi của công ty. Công ty 3PL cung cấp tất cả các chức năng quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, dịch vụ vận chuyển và hơn thế nữa để lưu trữ, bảo quản và vận chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất tới tay người mua.
Hãy xem xét một ví dụ thực tế sau đây:
Một công ty chuyên sản xuất động cơ dùng trong ô tô điện. Với chất lượng vượt trội và giá cả hợp lý, công ty nhận được nhiều đơn hàng, đóng container từ các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Nhu cầu đặt hàng của các nhà sản xuất ô tô tăng mạnh vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm để họ có thể kịp sản xuất và tung ra thị trường những mẫu xe mới vào trước dịp nghỉ Giáng sinh và Tết dương lịch.
Doanh số bán hàng tăng lên gấp rưỡi vào quý 3 hàng năm, do công suất sản xuất chỉ vừa đủ, công ty chỉ có một lựa chọn duy nhất là tăng cường sản xuất để tạo đủ hàng tồn kho cần thiết, đáp ứng nhu cầu tăng thêm của khách hàng.
Để tránh lãng phí trong việc xây dựng nhà kho chứa hàng quá rộng, đầu tư thêm máy móc, nhân công, chỉ phục vụ cho một thời điểm duy nhất trong năm, rõ ràng, công ty này nên ưu tiên sử dụng dịch vụ kho bãi, vận tải và đóng container xuất khẩu của một bên cung cấp dịch vụ logistic thứ ba (3PL).
Sự ra đời của những công ty dịch vụ trong lĩnh vực Logistic đã góp phần khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu được liền mạch, giảm chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, giúp họ tập trung toàn bộ nguồn lực của mình vào chức năng chính là sản xuất. Sử dụng dịch vụ nào và lựa chọn công ty nào tùy thuộc vào chính sách và ưu tiên của từng doanh nghiệp.
16/07/2021
Nomuda.