Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Master Airway Bill là cách đây hơn chục năm, khi tôi có dịp trực tiếp đi làm thủ tục hải quan và lấy hàng ở cảng hàng không Nội Bài.
Kho hàng hóa Nội Bài vô cùng đông đúc vào náo nhiệt, nhân viên giao nhận chạy đi chạy lại liên tục. Để bổ sung vận đơn hàng không (AWB) vào bộ hồ sơ, họ thường bóc vận đơn trực tiếp trên thùng hàng và xuất trình Hải quan để xin mở tờ khai và thông quan. Có người lấy nhầm Master Airway Bill thay vì House Airway Bill và hồ sơ bị trả lại.
Vậy tại sao một lô hàng lại có tới 2 loại vận đơn: Master Bill và House Bill? Chúng khác nhau như thế nào?
Viêc phân biệt House Bill và Master Bill với hàng đi đường biển (với hàng Air thì sẽ là phân biệt MAWB với HAWB) sẽ giúp người mới vào nghề xuất nhập khẩu hoặc thủ tục hải quan đỡ bối rối.
Thực chất cả 2 đều là Vận đơn (Bill of Lading), nhưng được phát hành bởi chủ thể khác nhau và nhằm mục đích khác nhau.
Master Bill là gì?
Master Bill of Lading là Vận đơn đường biển cho hãng tàu phát hành, dịch là Vận đơn chủ, và thường được viết tắt là MBL hay MB/L. Bạn sẽ thấy tên và logo của hãng tàu trên đầu trang vận đơn. Nếu làm quen thì sẽ nhận biết tên hãng tàu khá dễ dàng, chẳng hạn như MCC, SITC, Yang Ming, OOCL…
Mỗi lô hàng chỉ phát hành 1 MBL, gồm nhiều liên (cùng nội dung).
Trên Master Bill, người gửi hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước xuất khẩu Fowarder (không phải là công ty xuất khẩu – người bán hàng), còn người nhận hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước nhập khẩu. Thường 2 công ty giao nhận ở 2 nước có mối quan hệ đại lý hoặc là chi nhánh của cùng một tổng công ty. Các bên đứng tên trên vận đơn lần lượt là:
Người gửi: Forwarder nước XK
Vận đơn phát hành bởi: Hãng tàu
Người nhận: Forwarder nước NK
Trường hợp đặc biệt nếu chủ hàng – công ty xuất khẩu làm việc trực tiếp với hãng tàu, không thông qua Forwarder thì công ty xuất khẩu sẽ đứng trên trên Master Bill.
House Bill là gì?
House Bill of Lading là vận đơn đường biển – dịch là Vận đơn nhà – do công ty forwarder phát hành thường được viết tắt là HBL, HB/L, hay House Bill.
Ở nước ngoài, HBL còn có thể do 1 loại công ty vận chuyển có tên là chủ tàu không tàu – NVOCC (Non Vessel Ocean Common Carrier) phát hành. Nhưng ở Việt Nam chưa thấy loại hình này. Thế nên HB/L được hiểu là của Forwarder cấp.
Sau khi hàng được bốc xếp lên tàu, hãng tàu sẽ phát hành Master Bill cho công ty giao nhận (Forwarder), công ty giao nhận sẽ phát hành HBL gửi cho chủ hàng. Các bên đứng tên trên HBL lần lượt là:
Người gửi: Công ty Xuất khẩu
Vận đơn phát hành bởi: Công ty giao nhận
Người nhận: Forwarder Công ty Nhập khẩu
Trình tự phát hành Master Bill và House Bill như thế nào?
Đầu tiên, công ty xuất khẩu hàng sẽ thuê một công ty giao nhận vận chuyển (forwarder) làm thủ tục xuất khẩu. Công ty giao nhận này sẽ đặt chỗ trên tàu, làm thủ tục hải quan tại cảng và chi hộ các khoản liên quan sau đó thu lại từ công ty xuất khẩu.
Thông thường, các công ty xuất khẩu – chủ hàng sẽ không làm việc trực tiếp với hãng tàu để đặt chỗ vì mua chỗ lẻ trên tàu thường đắt hơn rất nhiều so với giá mà các Forwarder mua từ hãng tàu.
Như vậy, sau khi hàng lên tàu, hãng tàu sẽ cấp cho forwarder MBL. Dựa vào đó, forwarder sẽ cấp HBL cho chủ hàng.
Có thể nói HBL là vận đơn “đối ứng” của MBL, nối trách nhiệm vận chuyển giữa hãng tàu đến forwarder.
Tại cảng dỡ, forwarder sẽ nộp phí và làm thủ tục lấy Lệnh giao hàng (D/O – Delivery Order) từ hãng tàu. Sau đó, người nhập khẩu sẽ nộp phí làm thủ tục lấy D/O từ forwarder nhập khẩu
Ví dụ:
Công ty sản xuất nội thất Funiki xuất khẩu một lô hàng bàn ghế gỗ cho công ty Sync Inc ở Mỹ theo điều kiện CIF New York. Công ty Funiki thuê công ty K’Line làm thủ tục hải quan và vận chuyển 1 container 20’HC. Công ty K’Line thuê hãng tàu ONE chuyển hàng từ cảng Hải Phòng tới New Yoke. Sau khi hàng lên tàu, hãng tàu ONE phát hành MBL cho K’Line, sau đó K’Line phát hành HBL cho công ty Funiki.
Lưu ý:
- Trường hợp chủ hàng làm việc thẳng với hãng tàu không qua fowarder, hoặc nhờ forwarder book chỗ nhưng chủ hàng vẫn yêu cầu được đứng tên trên Bill. Khi đó, hãng tàu vẫn cấp vận đơn MBL trực tiếp cho chủ hàng, và cũng có nghĩa là không xuất hiện HBL.
- Đối với hàng lẻ container (LCL), forwarder sẽ gom hàng của nhiều công ty xuất khẩu khác nhau đóng chung vào 1 container. Khi vận chuyển container này, hãng tàu sẽ phát hành 1 MBL duy nhất nhưng forwarder này lại phải phát hành nhiều HBL và nhiều D/O cho các chủ hàng đó.
- Khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu, công ty nhập khẩu chỉ được dùng HBL vì trên HBL mới có số lượng cân, kiện, tên hàng hóa chính xác của lô hàng mà họ cần nhận. MBL không có những thông tin chi tiết như vậy.
Quá trình làm thủ tục xuất khẩu, thuê tàu và theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa thường được các công ty xuất khẩu giao cho forwarder. Tôi sẽ đề cập chi tiết hơn về các công ty giao nhận (forwarder) ở Việt Nam trong một bài viết khác. Giao nhận và vận tải là hai lĩnh vực luôn gắn bó với nhau. Nếu cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này kém phát triển thì sản xuất cũng khó có thể tăng trưởng.
07/10/2021
Nomuda.
[…] SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MASTER BILL VÀ HOUSE BILL – Lean Manufacturing Blog […]