Như chúng ta đã tìm hiểu trong khái niệm về Lean manufacturing, trung tâm của triết lý Lean là khái niệm “kaizen” hay cải tiến liên tục. Mục tiêu của cải tiến liên tục là loại bỏ mọi lãng phí trong quá trình cung cấp giá trị.
Người ta chia lãng phí thành ba loại là Muda (無 駄, lãng phí), Mura (斑, không đồng đều) và Muri (無理, quá tải).
Muda (無 駄)
Muda có nghĩa là lãng phí, vô dụng và vô ích, trái ngược với giá trị gia tăng. Công việc gia tăng giá trị là một quá trình làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng chi trả. Có hai loại Muda, Loại 1 và Loại 2.
Muda Loại 1
Bao gồm các hoạt động không đem lại giá trị gia tăng trong các quy trình cần thiết cho khách hàng cuối cùng. Ví dụ, việc kiểm tra và thử nghiệm an toàn không trực tiếp gia tăng giá trị cho sản phẩm cuối cùng; tuy nhiên, chúng là những hoạt động cần thiết để đảm bảo một sản phẩm an toàn cho khách hàng.
Muda Loại 2
Bao gồm các hoạt động không đem giá trị gia tăng trong quy trình và những hoạt động này là không cần thiết đối với khách hàng. Muda loại 2 nên được tập trung loại bỏ.
Có 7 loại lãng phí – Muda Loại 2 theo tên viết tắt TIMWOOD.
T – Transportation: Hoạt động vận chuyển dư thừa.
I – Inventory: Tồn kho hàng hóa và nguyên liệu thô.
M – Motion: Chuyển động dư thừa của máy móc hoặc con người.
W – Wait: Chờ đợi (phát sinh khi có sự mất cân bằng về thời gian thực hiện giữa các công đoạn trong quy trình sản xuất)
O – Over production: Sản xuất dư thừa.
O – Over processing: Xử lý quá mức (gia công nhiều hơn mức mà khách hàng yêu cầu).
D – Defects: Sản phẩm lỗi.
Mura (斑)
Mura có nghĩa là không đồng đều, không đồng nhất và không đều. Mura là lý do dẫn tới tất cả 7 loại lãng phí. Nói cách khác, Mura phát sinh sẽ dẫn đến Muda. Ví dụ, trong một dây chuyền sản xuất, các sản phẩm cần phải đi qua một số công đoạn trong quá trình lắp ráp. Khi công suất của một công đoạn lớn hơn các công đoạn khác, bạn sẽ thấy lãng phí tồn tại dưới dạng tồn kho dư thừa (Inventory), chờ đợi (Wait), v.v. Mục tiêu của Lean là cân bằng khối lượng công việc để không xảy ra tình trạng không đồng đều hoặc phát sinh lãng phí.
Có thể tránh được Mura thông qua hệ thống ‘Kanban’, Just-In-Time và các chiến lược kéo khác để hạn chế sản xuất thừa và tồn kho dư thừa. Khái niệm chính của hệ thống Just-In-Time là phân phối và sản xuất đúng bộ phận, đúng số lượng và vào đúng thời điểm.
Muri (無理)
Muri có nghĩa là quá tải, vượt quá khả năng của một người, quá mức, không hợp lý. Muri có thể là kết quả của Mura và trong một số trường hợp là do loại bỏ quá nhiều Muda khỏi quy trình. Muri cũng tồn tại khi máy móc hoặc người vận hành được sử dụng hơn 100% khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc theo cách không bền vững. Muri trong một khoảng thời gian có thể dẫn đến việc nhân viên nghỉ việc, ốm đau và hỏng hóc máy móc.
Có thể tránh được Muri bằng việc Tiêu chuẩn hóa công việc – thiết kế các quy trình làm việc để phân bổ đều khối lượng công việc và không làm quá tải bất kỳ nhân viên hoặc thiết bị cụ thể nào.
Mối quan hệ giữa Muda, Mura và Muri
Muda, Mura và Muri có quan hệ với nhau. Loại bỏ một trong số chúng sẽ ảnh hưởng đến hai cái còn lại.
Chúng ta hãy xem xét ví dụ sau của Viện doanh nghiệp Tinh gọn, 2016.
Một công ty cần vận chuyển 6 tấn nguyên vật liệu cho khách hàng bằng xe có trọng tải 3 tấn, họ có một số lựa chọn như sau:
Phương án đầu tiên: xếp một xe tải có tất cả 6 tấn và thực hiện một chuyến. Tuy nhiên trong ví dụ này, nó sẽ được coi là Muri do xe tải quá tải. Quá tải này có thể dẫn đến sự cố.
Phương án thứ hai: chia việc vận chuyển thành hai chuyến. Một xe với hai tấn và xe kia với bốn tấn. Điều này sẽ được coi là Mura vì sự không đồng đều của nguyên vật liệu đến tay khách hàng lúc 4 tấn, lúc 2 tấn, điều này có thể dẫn tới các vấn đề khi nhận hàng. Trong chuyến đầu tiên, việc giao hàng có thể quá ít so với nhu cầu sản xuất cần thiết tại chỗ. Trong chuyến thứ hai, số lượng vật liệu được giao có thể quá nhiều để bảo quản tại chỗ và xử lý vật liệu. Điều này dẫn đến Muri vì một trong những chiếc xe tải bị quá tải và người nhận cũng bị quá tải cho việc giao hàng đó. Ngoài ra, Muda có thể được nhìn thấy từ khối lượng công việc không đồng đều. Điều này có thể khiến nhân viên nhận hàng phải chờ đợi.
Phương án thứ ba: chở hai tấn trên mỗi xe tải và thực hiện ba chuyến. Mặc dù tùy chọn này không có Mura và Muri, nhưng nó có Muda vì xe tải sẽ không được tải đầy đủ trong mỗi chuyến đi. Mỗi xe tải có thể chở tối đa 3 tấn vật liệu và lựa chọn này khiến cho 1 chuyến xe trở nên không cần thiết.
Phương án thứ tư: chở nguyên vật liệu bằng hai xe tải, mỗi xe 3 tấn. Trong ví dụ này, đây sẽ là mức tối ưu để giảm thiểu Muda, Mura và Muri. Muda không tồn tại vì những chiếc xe tải đang chở hết tải trọng của chúng. Không có công suất dư thừa cũng như các chuyến xe không cần thiết với phương án này. Mura không tồn tại vì khối lượng công việc giữa hai lần giao hàng là đồng đều. Và cuối cùng, Muri cũng không còn vì cả xe tải và người điều khiển đều hoạt động không vượt quá công suất.
Trong các ứng dụng thực tế của Lean, không phải lúc nào cũng dễ dàng hoặc có thể tìm ra một giải pháp tối ưu. Giảm Muda có thể dẫn đến Muri. Sự tồn tại của Mura có thể dẫn tới Muda. Và cuối cùng Muri có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong hệ thống.
Các vấn đề phát sinh trong thực tế sản xuất luôn đa dạng và thay đổi liên tục, chính vì vậy, quy trình làm việc, tiêu chuẩn cần luôn được xem xét, điều chỉnh và thiết lập với mục tiêu giảm thiểu lãng phí trong sản xuất.
20/09/2021
Nomuda.
[…] Just-In-Time (JIT) là một trong hai trụ cột chính của phương thức sản xuất Toyota (TPS-Toyota Production System) còn được gọi là “sản xuất sản phẩm đúng số lượng tại đúng nơi vào đúng thời điểm”. Đây cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để loại bỏ “Mura”. […]
[…] từ hệ thống quản lý vận tải để tối ưu hóa quy trình và tránh những muda tiềm […]
[…] cùng xem lại định nghĩa về lãng phí (Muda) các bạn […]