Mấy hôm trước tôi có đọc được câu hỏi này trong một diễn đàn. Đa số các comment trả lời bên dưới tập trung vào 3 sai lầm dưới đây của những người trẻ tuổi.
Hôm nay, hãy cùng phân tích sâu hơn một chút về những sai lầm phổ biến này nhé.
Mong rằng bài viết này sẽ có ích nếu bạn nhận ra mình cũng đang có những sai lầm tương tự.
Sai lầm thứ nhất: Nghĩ rằng bằng đại học không quan trọng.
Khi tôi yêu cầu tuyển dụng nhân viên, có bằng đại học là yêu cầu đầu tiên. Tuy nhiên, phần lớn các nhân viên được tuyển dụng đều phải đào tạo lại từ đầu. Quá trình đào tạo là “on job training”, và thông thường phải mất từ 6 tháng tới 1 năm để một nhân viên có thể làm quen với công việc cũng như văn hóa của công ty. Vậy thì phải chăng những kiến thức mà họ đi học từ thời đại học không hề có ích cho công việc? 4 năm đi học đại học là lãng phí?
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng 4-5 năm đi học, cái mà bạn thu hoạch được không phải chỉ là 1 tấm bằng. Sinh viên có điểm cao, bằng khá trở lên chứng tỏ tiềm năng tiếp thu của họ rất tốt. Họ sẽ nắm bắt công việc nhanh hơn, nếu tập trung học hỏi, kỹ năng làm việc của họ cũng phát triển tốt hơn.
Thứ hai, để đạt được tấm bằng khá, giỏi sau 4-5 năm học đại học chứng tỏ nhân viên đó đã rất nỗ lực, và có ý chí và tinh thần trách nhiệm cao. Khi còn đang đi học, họ đã vô cùng tập trung để làm tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình. Theo tôi đó là phẩm chất của một nhân viên tốt sau này.
Cũng giống như muốn xây nhà bạn phải làm móng, nền móng càng vững chắc thì xây nhà càng kiên cố. Người nhân viên muốn tiếp thu được những kiến thức mới ở nơi làm việc thì họ cần phải có nền tảng kiến thức cơ bản. Do vậy, những năm học đại học là những năm mà bạn đang dành thời gian để xây dựng nền móng cơ bản đó cho cuộc đời mình.
Sai lầm thứ hai: Nghĩ rằng các triệu phú đều bỏ học.
Rất nhiều người ngưỡng mộ tấm gương của các tỷ phú như Bill Gates và Mark Zuckerberg, họ đều bỏ học để mở công ty và có mặt trong nhóm những tỷ phú hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, rất ít người biết những tỷ phú này đã nỗ lực học tập như thế nào mới vào được đại học Harvard, ngay cả khi đã nghỉ học, họ vẫn không ngừng đọc sách và học tập mỗi ngày.
Nếu không chịu học, đầu tư vào bản thân, bạn sẽ không thể nào thay đổi vận mệnh của mình. Một công nhân lao động phổ thông lương sẽ đủ ăn đủ tiêu khi còn độc thân. Nhưng khi người công nhân này có gia đình, vẫn mức thu nhập ấy thì anh ta mới cảm thấy áp lực kiếm tiền ghê gớm thế nào. Anh ta cũng không có cơ hội học lên nữa vì thời gian đã dành hết cho gia đình, cho con cái và những lo toan gạo củi, mắm muối khác.
Cứ như vậy, con cháu sinh ra đã là người thua cuộc từ vạch xuất phát. Thế nên, nếu muốn gia đình mình thoát khỏi cái “nghèo” truyền kiếp thì hãy cố gắng học tập ngay khi có thể.
Sai lầm thứ ba: Chỉ cần hiền lành, trời xanh tự có an bài.
Tôi rất dị ứng với các bài viết kêu gọi mọi người cố gắng hiền lành, nhẫn nhịn với câu nói “Lùi một bước trời cao biển rộng”, tại sao lại là “trời cao biển rộng”? Nếu khi đó đã ở bờ vực rồi thì lùi một bước có phải sẽ rơi thẳng xuống vực thẳm sâu hút hay không?
Thực tế thường phản ánh bản chất trần trụi của nhân tính. Có câu nói rằng: “Người hiền lành thường dễ bị bắt nạt, ngựa hiền lành thường bị người cưỡi”.
Thông thường, bạn càng nhân nhượng, người khác lại càng muốn lấn tới. Cực kỳ ít người thấu hiểu và đối xử với bạn cũng tốt như bạn đối xử với họ. Bạn càng lùi bước, người khác lại càng tàn nhẫn. Bạn càng tha thứ, người khác lại càng không kiêng nể gì. Bạn càng mềm lòng, người khác càng tham lam vô độ. Chính vì thế, khi trưởng thành cũng là lúc mà chúng ta phải học cách tàn nhẫn hơn.
Nếu cứ mãi sợ mất lòng người khác, sợ hình ảnh mình trở nên xấu xí đi, sợ người khác ghét mình mà không dám từ chối những việc khó chịu, bạn sẽ tự làm tổn thương chính mình. Đôi khi không phải chúng ta thực sự tốt bụng mà là chúng ta không có đủ lòng can đảm và dũng khí để từ chối người khác. Bạn có đồng ý với điều này không?
Không dám phản đối những điều bất công, bạn sẽ không được người khác tôn trọng. Đa phần sẽ coi lòng tốt của bạn là sự yếu đuối, coi hành động giúp đỡ của bạn là chuyện đương nhiên.
Ví dụ như khi bạn đi ăn cùng nhóm bạn, bạn tốt bụng đi lấy đồ cho mọi người, lần sau, những người bạn không biết điều đó lại coi đó như là nghĩa vụ của bạn. Hay ví dụ như trong nhóm làm việc có sai lầm, tất cả mọi người đều đổ lỗi lên đầu bạn trước mặt sếp vì bạn là người duy nhất không phản kháng lại, không muốn làm mất lòng đồng nghiệp.
Thực tế tàn nhẫn hơn sách vở rất nhiều, người hiền lành sẽ là đối tượng bị chèn ép đầu tiên. Vì thế, hãy đặt ra một giới hạn cho những người xung quanh để bảo vệ lợi ích của bạn. Khi ai vượt qua giới hạn đó, hãy đừng ngần ngại cảnh cáo và trừng phạt họ.
Sai lầm thứ tư: Tiền không mang lại hạnh phúc.
Đồng tiền giúp chúng ta tránh được những lo lắng về cơm ăn, áo mặc hàng ngày, giúp ta có được những lợi ích tốt hơn về điều kiện sống, địa vị, du lịch, chăm sóc sức khỏe…Cảm giác được sống trong sung túc, có một tài chính cá nhân vững chắc mang lại một cảm giác rất mãn nguyện. Tự do tài chính là đích đến của rất nhiều người, nhất là đối với những ai đang đau khổ vì công việc từ 8 giờ đến 5 giờ mà không dám thoát ra vì sợ mất đi thu nhập.
Nhìn chung, người dân ở các nước nghèo nàn không cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống bằng những người ở các nước giàu có. Ở những nước nghèo, cuộc sống thường mang lại cho người dân những cảm giác không an toàn, chắc chắn. Các quốc gia phát triển, giàu có thường có hệ thống an ninh, bảo vệ sức khỏe, môi trường làm việc tốt hơn cũng như bao yếu tố xã hội cơ bản khác … tất cả đều có tác động đến sự tăng trưởng của mãn nguyện cũng như hạnh phúc. Chẳng thế mà người dân các nước nghèo thường chọn con đường ra nước ngoài để sinh sống và làm việc khi có điều kiện.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, con người ta có sức khoẻ tinh thần tốt khi thu nhập ở mức 75.000 đô la, không cao hơn. Với mức này, họ có đủ tiền sống ở một nơi đàng hoàng, hoặc mua thức ăn để nuôi gia đình mình.
Tuy nhiên, ít người đồng ý rằng thời khắc hạnh phúc và ý nghĩa nhất đời họ là khi họ có nhiều tiền nhất.
Như vậy, chúng ta có thể nhìn nhận rằng tiền mang lại sự an tâm và sức khỏe tinh thần tốt hơn ở một ngưỡng nhất định. Khi vượt qua ngưỡng đó, tiền trở nên mất tác dụng và con người cần hướng tới những mục tiêu cao hơn, vị tha hơn để trở nên hạnh phúc hơn.
Bạn có đồng ý với những phân tích trên đây không? Hãy để lại comment nhé!
Nomuda.