Chi phí vận tải đường biển tăng mạnh trong những tháng gần đây kèm theo sự thiếu hụt container đã khiến không ít nhà sản xuất lâm vào tình trạng lao đao. Nhiều người book tàu trước cả tháng trời nhưng rớt chuyến vẫn là tình trạng bình thường.
Giá cao, nguồn cung thiếu hụt khiến các hàng tàu chiếm được thế thượng phong trong mối quan hệ kinh doanh giữa chủ hàng và người vận chuyển. Rất nhiều người thậm chí đã nghĩ tới vận tải đường bộ, đường không như một phương tiện cứu cánh. Song, thực tế không như mộng tưởng, dưới đây, là một số lý do vì sao chi phí vận tải biển sẽ còn tiếp tục tăng và vì sao nó khó có thể bị thay thế bởi các phương tiện vận tải khác.
Số lượng hàng hóa được vận tải bằng đường biển chiếm tới hơn 90% lượng hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới. Vận tải biển với những ưu thế vượt trội sau, từ lâu đã trở nên bất khả chiến bại giữa một dàn các phương thức vận tải quốc tế khác:
- Giá rẻ: Hàng triệu container được di chuyển trên biển hầu như mỗi ngày và hiện không có phương thức vận tải nào khác có thể đáp ứng được khối lượng vận chuyển như vậy. Với số lượng hàng lớn nhất, chi phí vận tải đường biển đương nhiên sẽ là rẻ nhất. Cước vận tải rẻ sẽ khiến giá thành sản xuất giảm đáng kể, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất.
- Vận tải biển mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi giúp họ tiếp cận với nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, giá cả hợp lý từ các quốc giá khác.
- Vận tải biển đóng vai trò quan trọng trong toàn cầu hóa, vận tải hàng hóa toàn cầu là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp.
Vận tải biển đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp của bất kỳ quốc gia nào và ngày nay, tăng trưởng thương mại thế giới không thể tách rời tác động của vận tải biển. Bạn để ý mà xem, ở những quốc gia phát triển trên thế giới, giao thương thuận lợi là điều quan trọng nhất để giúp cho thu nhập của doanh nghiệp, của người dân quốc gia đó được cải thiện. Chính vì vậy, các cường quốc không thể không có cảng biển với sức chứa lớn, khả năng trung chuyển hàng hóa cao. Những nước không có cảng, nguồn cung ứng bị phụ thuộc rất nhiều, giá cả hàng hóa sẽ cao hơn, sức cạnh tranh thấp và do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng không thể lớn được.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy giá cước biển sẽ giảm trong ngắn hạn, khả năng giá cước sẽ tiếp tục tăng đột biến trong nửa cuối năm nay do nhu cầu trên toàn cầu tăng để tiếp tục đáp ứng sự hồi phục sau gián đoạn của việc đóng cửa tại một số quốc gia do dịch bệnh. Ngay cả khi các hãng tàu bổ sung đầy đủ công suất thì các công ty vận tải container có thể tiếp tục giữ giá cước vận tải ở mức cao hơn so với trước đại dịch.
Dưới đây là 5 lý do tại sao giá cước sẽ không giảm xuống.
- Sự mất cân bằng trong vận chuyển toàn cầu tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa
Các vấn đề đã nảy sinh ngay từ đầu đại dịch bao gồm sự mất cân bằng trong sản xuất và nhu cầu hàng hóa, việc các quốc gia đóng và mở cửa vào các thời điểm khác nhau dẫn tới thiếu container rỗng, cũng như các công ty vận tải biển cắt giảm công suất trên các tuyến đường chính. Khi quá trình phục hồi diễn ra, nhu cầu toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực có liên quan chặt chẽ nhất đến thương mại hàng hóa quốc tế. Cạnh tranh về năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã gia tăng khi các nền kinh tế mở cửa hơn nữa và các doanh nghiệp sản xuất chú trọng hơn tới việc gia tăng tồn kho, nhằm giảm tác động của việc đóng cửa.
- Hầu như không có lựa chọn thay thế cho vận tải đường biển
Việc thiếu các lựa chọn thay thế cho vận tải đường biển đồng nghĩa với việc khó tránh khỏi việc chi phí vận tải tăng cao vào lúc này. Đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn, các phương thức vận chuyển thay thế có thể là một lựa chọn, chẳng hạn như vận chuyển các thiết bị điện tử bằng đường hàng không hoặc tàu hỏa. Nhưng năng lực vận tải của các phương thức này cũng có hạn. Những người gửi hàng cho các sản phẩm có giá trị thấp hơn như đồ gia dụng, đồ chơi, hàng khuyến mại hoặc áo thun đã thấy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng từ khoảng 5% tới 20%.
Không có lựa chọn thay thế có nghĩa là người tiêu dùng có thể bắt đầu phải chịu tác động của sự tăng giá sản phẩm hoặc sử dụng hàng hóa với sự giảm bớt các tiện ích sẵn có.
- Sự phục hồi không cân bằng trong suốt năm 2021
Một số quốc gia đã xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn so với trước khi xảy ra đại dịch, trong khi ở những quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, xuất khẩu lại giảm đi. Thương mại hàng hóa sẽ tiếp tục tăng đối với các quốc gia đã phục hồi. Sự phục hồi mất cân bằng cộng với sự thiếu hụt nguồn cung vận tải biển sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm một số vấn đề đối với thương mại toàn cầu, bao gồm cả việc vận chuyển các container rỗng. Tất cả gây thêm áp lực lên giá cước trong thời gian tới.
- Tắc nghẽn cảng và đóng cửa tiếp tục tạo ra sự chậm trễ trong vận chuyển
Tắc nghẽn tại cảng là một phần của vấn đề tăng giá cước. Tỷ lệ tàu giữ đúng lịch trình thấp hơn và sự chậm trễ trung bình đối với các tàu đến muộn tăng lên. Đồng thời, đại dịch vẫn đang dẫn đến sự gián đoạn, chẳng hạn như sự đóng cửa đột ngột của Cảng container Yantian của Trung Quốc – một phần của cảng container lớn thứ 4 thế giới Thâm Quyến – vào đầu tháng 6. Mặc dù các hoạt động đã được nối lại, nhưng sự tắc nghẽn và các biện pháp vẫn tiếp tục được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến cho sự chậm trễ tiếp tục gia tăng. Mặc dù Trung Quốc và các quốc gia thương mại lớn khác đang đạt được tiến bộ với các chương trình tiêm chủng, việc tạo miễn dịch sẽ mất thời gian và do đó việc chậm trễ vẫn là một rủi ro trong những tháng tới. Chậm trễ trong vận tải biển khiến nhu cầu vận tải càng tăng lên để bù đắp lại các chuyến tàu bị chậm trễ. Cầu tăng, cung giảm sẽ khiến giá tăng như một điều tất yếu.
- Số lượng container mới sản xuất sẽ giảm bớt áp lực về giá, nhưng không thể giảm nhiệt trước năm 2023
Các hãng vận tải container thực sự đã có kết quả tài chính vượt trội trong thời kỳ đại dịch, và trong 5 tháng đầu năm 2021, đơn đặt hàng tàu container mới đạt mức cao kỷ lục 229 tàu với tổng sức chở hàng hóa là 2,2 triệu TEU. Cùng với việc tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch, sự gia tăng năng lực vận tải đường biển sắp tới sẽ khiến giảm chi phí vận chuyển nhưng sẽ không chắc rằng giá cước sẽ trở lại mức trước đại dịch. Các hãng vận tải container dường như đã học cách liên minh để quản lý tốt hơn về chính sách giá cước biển chung.
Trong thời gian tới, giá cước có thể sẽ đạt mức cao mới do cầu ngày càng tăng và tăng, cung thì càng giảm và giảm. Và ngay cả khi được bổ sung tàu container, giá cước có khả năng cũng khó có thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Giá cước tăng, chi phí vận tải tăng, tạo thêm một thách thức mới đối với các doanh nghiệp sản xuất tinh gọn trên con đường cải tiến liên tục để tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu của khách hàng với chi phí tốt nhất.
(Tài liệu tham khảo: think.ing.com; globaltransportandlogistics.com)
Nomuda.