Bố trí sắp xếp hàng hóa luân chuyển trong kho như thế nào là một trong những vấn đề quan trọng đối với người quản lý kho nói riêng và quản lý nhà máy sản xuất nói chung.

Một kho hàng được bố trí tốt sẽ giúp hoạt động trong kho được cải thiện đáng kể, giảm thời gian chờ đợi và sai sót. Tuy nhiên những gì đối với một nhà kho này là hiệu quả lại có thể không hiệu quả với nhà kho khác.

Nếu bạn đang băn khoăn không biết bố trí kho hàng như thế nào thì dưới đây là gợi ý về ba cách bố trí sơ đồ kho phổ biến nhất và những nguyên tắc chung trong bố trí sơ đồ kho.

Ba cách bố trí sơ đồ kho:

1. Thiết kế sơ đồ hình chữ U

Bố cục hình chữ U là một lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ nhà kho có kích thước nào do thiết kế đơn giản. Đúng như tên gọi, nhà kho được thiết kế theo hình chữ “U”, giống như một nửa hình tròn.

Khu vực nhập hàng và xuất hàng được đặt cạnh nhau, ở giữa là khu vực lưu kho. Tại nơi nhập hàng, hàng hóa sẽ được dỡ ra, tách và phân loại trước khi đưa vào trong khu vực lưu kho. Những sản phẩm có tốc độ luân chuyển nhiều thường được bố trí ở chính giữa để thuận tiện cho việc nhập xuất hàng. Những sản phẩm luân chuyển chậm được sắp xếp ở 2 góc của kho.

Sơ đồ kho này thường được áp dụng cho các kho hàng thương mại, không qua bộ phận sản xuất.

Ưu điểm: luồng hàng hóa di chuyển rõ ràng, thiết kế đơn giản.

Nhược điểm:

– Thời gian nhập hàng và xuất hàng nếu đồng thời sẽ gây ra tình trạng thiếu nhân lực cục bộ, một điển hình của mura và muri.

– Khó thực hiện FIFO nếu làm theo phương pháp thủ công.

– Những mặt hàng chậm luân chuyển dễ bị bỏ quên.

2. Thiết kế sơ đồ hình chữ L

Thiết kế nhà kho  và thiết lập luồng giao thông theo hình chữ “L.” Khu vực nhận hàng và tiếp nhận được bố trí ở một bên của kho, khu vực vận chuyển và lấy hàng được bố trí ở phía bên cạnh. Phần còn lại của không gian dùng để chứa hàng.

Những sản phẩm có tốc độ luân chuyển chậm được xếp vào khu vực góc và ngược lại.

Sơ đồ hình chữ L phù hợp với các nhà kho chứa nguyên liệu cho sản xuất, kho hàng thương mại…

Ưu điểm:

  • Nhập hàng xuất hàng theo luồng rõ ràng.
  • Thích hợp cho FIFO hàng hóa.

Nhược điểm:

  • Chưa tối ưu được không gian trong kho hàng.
  • Những mặt hàng chậm luân chuyển dễ bị bỏ quên.

3. Thiết kế sơ đồ hình chữ I

Sơ đồ hình chữ I còn được gọi là thiết kế thông suốt, bố cục hình chữ I rất phù hợp cho các nhà kho có khối lượng hàng lớn. Khu vực xếp dỡ ở một đầu và khu vực vận chuyển ở đầu kia, kho chứa ở giữa.

Các sản phẩm được sắp xếp sao cho dễ dàng nhập vào và lấy ra, đặc biệt thuận lợi nếu hàng có khối lượng lớn, khó di chuyển.

Sơ đồ kho này được áp dụng cho các kho nguyên liệu, cần nhập hàng và vận chuyển hàng vào trong bộ phận sản xuất một cách tách biệt.

Ưu điểm:

– Thực hiện FIFO một cách dễ dàng.

– Thiết kế đơn giản, tối ưu được không gian trong kho.

– Hàng hóa di chuyển theo một chiều duy nhất, không cần đến các thiết bị nâng hạ phức tạp.

Nhược điểm:  Khó bố trí cho hàng ưu tiên và không ưu tiên.

4 nguyên tắc trong việc bố trí sơ đồ kho:

1. Phải có khu vực chờ nhập hàng và khu vực chờ xuất hàng.

Khi xe giao hàng tới, công nhân không thể nhận hàng ngay được. Bao giờ hàng hóa cũng phải được dỡ xuống, được đặt trên sàn, được kiểm đếm.

Do đó, cần có khu vực trống trước kho để phục vụ cho mục đích này.

Khi xuất hàng cũng tương tự, cần có khu vực chờ xuất hàng để công nhân xác nhận số lượng hàng hóa được giao trước khi nâng hàng lên xe.

2. Hàng hóa được luân chuyển theo 1 luồng duy nhất.

Nhiều nhà máy do không có đủ diện tích nên kho hàng được bố trí rải rác khắp nơi. Nguyên liệu phân tán và đưa vào xưởng sản xuất theo các hướng khác nhau. Tương tự, hàng thành phẩm đôi khi được đưa ngược trở lại kho nguyên liệu vì chỉ có 1 cửa để nhận, đồng thời xuất hàng luôn.

Điều này gây khó khăn cho công nhân khi thao tác và dễ gây ra lỗi xuất nhầm hàng.

3. Duy trì khoảng cách tiêu chuẩn.

Khi xếp hoá chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hoá như sau: Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5 m, hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3 m; các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m; lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m; không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho; không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho.

4. Hiển thị trong kho.

Bên ngoài kho phải có có bảng nội quy về an toàn, biển ghi ký hiệu chất chữa cháy. Các biển này phải rõ ràng và để ở chỗ dễ thấy nhất.

Bên trong kho, phải có bố trí sơ đồ kho và hiển thị vị trí các khu vực (A1, A2…). Các tiêu chuẩn, quy trình hướng dẫn thao tác phải được hiển thị ở vị trí dễ thấy, dễ đọc để công nhân có thể tham khảo.

Trên đây là môt số gợi ý về bố trí sơ đồ hàng hóa trong kho. Tôi hy vọng rằng những thông tin trên có ích cho công việc của bạn và mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp của bạn ở phần comment.

18/09/2021

Nomuda.

Nguồn: Icograms

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *