Có một sự thực mà ai cũng thừa nhận là không gian, diện tích trong nhà máy là một nguồn tài nguyên hạn chế. Máy móc và nhân lực có thể đầu tư để tăng thêm nhưng để tăng diện tích sử dụng trong nhà máy là điều vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy, người quản lý xưởng cần tối ưu hóa diện tích sản xuất, nghĩa là có thể thực hiện nhiệm vụ sản xuất đã cho với diện tích tối thiểu cần thiết.

Ví dụ: trong ngành bán lẻ, chúng ta thường nghe nói về năng suất diện tích sàn, nghĩa là doanh thu được tạo ra trên mỗi mét vuông.

Trong sản xuất tinh gọn cũng tương tự, chúng ta có thể thấy rằng diện tích dành cho máy móc sản xuất ra hàng hóa được coi là diện tích gia tăng giá trị. Các khu vực kho bãi, kiểm tra hàng hóa được gọi là hỗ trợ gia tăng giá trị. Những khu vực trống hoặc được sử dụng bừa bãi, không gọn gàng, không đúng mục đích có thể coi là lãng phí.

Bạn có bao giờ gặp phải tình trạng hết diện tích sử dụng trong nhà máy mà lại thiếu ngân sách để mở rộng không? Hãy suy nghĩ xem bạn có thể làm gì tối đa hóa việc sử dụng không gian của mình.

Trước tiên, hãy tìm hiểu lý do tại sao bạn sắp hết diện tích sử dụng.

Lý do mà tôi gặp phải thường xuyên nhất là sự phát triển của công ty trong tình trạng hạn chế về không gian trong nhà máy. Khi công ty phát triển và mở rộng ngành nghề, hàng tồn kho tăng lên đòi hỏi diện tích sử dụng nhiều hơn.

Lý do thứ hai là sự thay đổi về chính sách quản lý hàng tồn kho. Trong tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn do các nhà máy phải dừng sản xuất vì Covid-19, hầu hết các nhà sản xuất đều lựa chọn phương án an toàn là tăng tồn kho dự trữ để họ có thể tiếp tục duy trì hoạt động khi nhà cung cấp của mình bị bắt buộc phải dừng sản xuât đột ngột.

Ví dụ: trong tình trạng bình thường, tồn kho tối đa cho sản xuất được quy định là 3 ngày, trong tình trạng hiện tại, tồn kho tăng lên 10 ngày.

Lý do cuối cùng là việc sử dụng không gian kém hiệu quả. Một số nguyên nhân dẫn tới điều này có thể là do vật cản của tòa nhà (cột, tường, ống dẫn, đường ray sàn), sử dụng lối đi không hiệu quả, khu vực lưu trữ không sử dụng và bố trí nhà máy kém hiệu quả.

Trong khi việc mở rộng nhà máy có thể tiêu tốn ngân sách tới hàng triệu USD thì chúng ta nên xem xét tới giải pháp là làm sao để tận dụng tốt nhất diện tích trong nhà máy. Dưới đây là 6 gợi ý để tối ưu hóa không gian sản xuất mà không cần tốn kém quá nhiều vào việc mở rộng.

1. Bố trí lại nhà máy của bạn bằng cách sử dụng các nguyên tắc sản xuất tinh gọn.

Để biết liệu nhà máy có bố trí thiếu hiệu quả hay không, bạn hãy lập bản sơ đồ chuỗi giá trị và đánh giá cách di chuyển của nguyên vật liệu tới máy móc, cách di chuyển của hàng thành phẩm từ máy tới kho hàng và di chuyển tới khu vực xuất hàng.

Bằng cách đánh giá dòng chảy của nguyên vật liệu, hàng hóa, bạn có thể xác định được những điểm còn thiếu sót trong cách bố trí nhà máy của mình.

Thực tế, ngay cả những nhà máy sản xuất có vẻ chật chội tới mức vô vọng cũng có thể tìm ra được cách cải thiện sơ đồ dòng chảy, tối ưu hóa việc sử dụng không gian mà không mất một đồng vốn đầu tư nào.

2. Sử dụng giá kệ để lưu trữ hàng hóa.

Nếu trong kho hàng của bạn có quá nhiều mặt hàng số lượng nhỏ lẻ, không thể xếp chồng lên nhau thì hãy nghĩ tới việc sử dụng giá kệ để tối ưu hóa diện tích sử dụng. Hãy tìm cơ hội để tận dụng không gian đang bị lãng phí.

3. Giảm chiều rộng của lối đi trong nhà xưởng.

Số lượng không gian sàn khả dụng được quyết định một phần bởi chiều rộng của lối đi. Nếu những lối đi này rộng hơn mức cần thiết, chúng sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng không gian sàn. Giảm chiều rộng của lối đi cho phép bạn tăng số lượng diện tích kho, diện tích sử dụng cho các hoạt động sản xuất khác.

4. Sử dụng máy móc trong kho phù hợp.

Một số loại máy móc chẳng hạn như cần trục, chiếm không gian sàn tối thiểu. Nhưng một số loại khác, chẳng hạn như xích kéo, băng tải, đường ray… ngốn một lượng lớn diện tích sàn mà không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác. Chúng cũng cản trở lưu lượng hàng hóa và giảm năng suất khi được lắp đặt trong các khu vực chật hẹp.

Hãy cân nhắc tới các loại xe nâng tay và xe nâng điện. Những loại máy móc này hoạt động trên sàn tiêu chuẩn, di chuyển tải trọng lên đến 100 tấn, không yêu cầu lắp đặt phức tạp hoặc lâu dài và hoạt động với chi phí thấp nhất. Một số loại xe nâng điện có gắn robot gắp hàng giúp cho xe có thể di chuyển giữa hai giá kệ hàng sát nhau mà không cần quay vòng, một số xe có bán kính quay vòng nhỏ thậm chí trong trong phạm vi diện tích của chính chúng.

5. Lắp đạt sàn lửng.

Một trong những cách đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất để tạo không gian sàn mới trong nhà máy của bạn là xây dựng thêm một tầng lửng. Bằng cách xây dựng này, bạn có thể thêm không gian sàn với ảnh hưởng tối thiểu đến không gian sàn hiện có bên dưới tầng lửng. Tầng lửng kết cấu có thể được xây dựng trên các dây chuyền lắp ráp sản xuất, máy móc và khu vực kho lưu trữ hiện có trong các nhà máy sản xuất, về cơ bản nó giúp tăng gấp đôi diện tích sẵn có.

6. Loại bỏ hàng hóa không sử dụng.

Có rất nhiều trường hợp hàng hóa bị hư hỏng, hết hạn sử dụng nhưng vẫn được lưu trữ trong kho với mục đích chờ bồi thường của đối tác hoặc bên công ty bảo hiểm.

Nếu bạn không chú ý thúc đẩy hoạt động này nhanh chóng, tồn kho vô dụng này sẽ ngày càng đầy lên và chiếm càng nhiều diện tích trong nhà máy.

Cách để theo dõi và thúc đẩy nhanh chóng là cần lập danh sách hàng loại này, kèm theo tên người chịu trách nhiệm và thời hạn cuối cùng phải xử lý xong. Việc này đôi khi tốn khá nhiều thời gian và công sức nhưng lợi ích mang lại là rất xứng đáng.

Trên đây là 6 gợi ý giúp bạn có thể tối ưu hóa diện tích nhà xưởng với chi phí thấp nhất. Hi vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn trong công việc của mình!

08/09/2021

Nomuda.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *