Jidoka là một trong hai trụ cột chính của phương thức sản xuất Toyota bên cạnh “Just in time”. Jidoka thường được sử dụng trong sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing). Jidoka tiếng Nhật nghĩa là “Tự động hóa”. Tuy nhiên, Jidoka trong Toyota có bộ “nhân đứng” phía trước chữ “động” nên có thể dịch là “Tự động hóa có trí tuệ”. (Bộ nhân đứng là một bộ chữ Hán thường đứng trước động từ, ngầm chỉ có yếu tố tác động của con người trong hành động, thao tác hoặc quá trình đó).
Tinh thần của “Jidoka” là dựa trên phát minh máy móc tự động có trí tuệ của nhà sáng lập Toyota, ông Sakichi Toyoda. Những máy dệt tự động của ông Sakichi chỉ cần có một sợi chỉ dọc bị đứt, hoặc không có sợi chỉ ngang thì ngay lập tức máy sẽ chuyển sang cơ chế ngừng hoạt động. (Trước khi sản xuất ô tô, Toyota là nhà máy sản xuất máy dệt tự động). Điều đó có nghĩa là một thiết bị có khả năng phán đoán tình trạng tốt xấu của máy móc đã được lắp đặt trong máy móc, cho nên sẽ không sản xuất ra sản phẩm lỗi. Những máy móc gắn thiết bị đình chỉ tự động này được gọi là “máy móc tự động có trí tuệ”.
Việc đưa thiết bị đình chỉ tự động này vào máy móc có ý nghĩa rất lớn về mặt quản lý, tức là khi máy móc hoạt động bình thường thì chúng ta không cần có mặt, chỉ khi máy móc bị dừng bất thường thì mới cần tới đó kiểm tra. Chính vì vậy, một người có thể phụ trách nhiều máy móc, qua đó nhân công quản lý máy móc giảm đi, năng suất lao động tăng vọt.
Nguyên tắc hoạt động của Jidoka:
Các dây chuyền sản xuất áp dụng Jidoka hoạt động theo 4 nguyên tắc sau:
- Phát hiện lỗi
- Dừng hoạt động
- Sửa chữa
- Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để ra đối sách khắc phục
Phát hiện lỗi:
Nếu một dây chuyền sản xuất tự động không có thiết bị phán đoán lỗi, dây chuyền đó sẽ tạo nên số lượng sản phẩm lớn với công suất tối đa nhưng không đảm bảo về chất lượng. Nếu sản phẩm lỗi phát sinh mà không được dừng lại kịp thời, tổn thất do phải hủy bỏ hàng lỗi đối với công ty là rất lớn. Nếu bố trí nhân lực đứng trực tiếp tại máy để làm công việc kiểm tra chất lượng, chi phí nhân công sẽ tăng lên, mặt khác, lỗi cũng không thể bị triệt để loại bỏ do con người đôi khi cũng bỏ lọt lỗi.
Dừng hoạt động:
Dừng lại để xác định vấn đề là một yếu tố hết sức quan trọng. Khi chưa phát hiện được yếu tố bất thường xảy ra do đâu, khả năng sản xuất ra hàng NG, lãng phí phát sinh là rất lớn. Ở các nhà máy sản xuất Âu, Mỹ, năng suất và số lượng sản phẩm sản xuất lại thường được ưu tiên hàng đầu. Do đó, khi Toyota áp dụng Jidoka tại các nhà máy của mình ở phương Tây, họ đã vấp phải sự phản kháng của nhân viên do bất đồng về tư duy trong sản xuất. Thực tế là Toyota đã mất rất nhiều thời gian để đào tạo và thay đổi tư duy này.
Sửa chữa:
Sau khi dừng hoạt động và phát hiện các vấn đề lỗi, cần phải tiến hành sửa chữa triệt để. Việc sửa chữa này cần được thử nghiệm để tránh phát sinh các lỗi tương tự ở các điều kiện khác nhau. Dừng lại, sữa chữa, được xem là yêu cầu hàng đầu để nâng cao chất lượng, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp sản xuất.
Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ:
Các lỗi phát sinh sẽ được điều tra nguyên nhân triệt để với phương pháp phân tích lỗi 5 Why, sử dụng sơ đồ xương cá – fish bone… Sau khi tìm ra nguyên nhân gốc rễ, người ta mới có thể lập đối sách lâu dài, nhằm tránh việc dừng máy móc dây chuyền tái hiện. Mặc dù việc dừng hoạt động là cần thiết để ngăn chặn lỗi phát sinh, giảm chi phí, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dừng lại cũng là bất thường, gây ra lãng phí về công suất máy phải chờ đợi vấn đề được giải quyết. Do đó, việc dừng máy cần phải được ngăn ngừa tái hiện bằng đối sách lâu dài.
Một điều khá thú vị là khi tìm hiểu về Jidoka, tôi thấy có nét tương đồng với một phương pháp nhằm giúp những người quản lý ra quyết định chính xác hơn, đó là PCD. Không phải PCD là “Phòng chống dịch” như ta vẫn thường thấy xuất hiện đầy rẫy trên báo chí bây giờ đâu nhé. PCD là phương pháp do Franklin Covey – tổ chức toàn cầu, chuyên sâu về phát triển lãnh đạo sáng tạo ra, nghĩa là Pause – Clarify – Decide (Tạm ngừng – Làm sáng tỏ vấn đề – Quyết định).
Phương pháp này giúp chúng ta có thể kích hoạt bộ não của mình để phản ứng theo cách giảm bớt căng thẳng và tăng khả năng đạt được năng suất cao hơn.
Pause – Tạm ngừng:
Đây có thể là bước khó nhất trong ba bước vì chúng ta thường phản ứng lại ngay lập tức khi có vấn đề xảy ra. Trước khi chúng tôi nói “có” hoặc “không” với yêu cầu, email hoặc câu hỏi nào đó, hãy tạm dừng và sau đó tìm cách làm rõ.
Tạm ngừng cũng là bước khó khăn nhất đối với mỗi người, cũng giống như tư duy chạy theo số lượng trong sản xuất vậy, dừng lại để đạt được chất lượng cao hơn khó có thể trở thành thói quen nếu ta không rèn luyện và thấu hiểu ý nghĩa của việc tạm dừng.
Clarify – Làm rõ:
Đặt câu hỏi để làm rõ tầm quan trọng thực sự. Điều gì đang thực sự được yêu cầu hoặc yêu cầu? Khi nào thì nó thực sự cần được thực hiện? Hậu quả là gì nếu nó không được thực hiện vào thời điểm đó? Nó khẩn cấp hay nó quan trọng? Có các tùy chọn khác để hoàn thành công việc đó không?
Tương tự với bước tìm ra nguyên nhân gốc rễ, vấn đề cần được đào sâu và tìm hiểu bản chất bằng cách ra các câu hỏi đúng. Khi chúng ta có được câu hỏi đúng, câu trả lời đúng đôi khi không còn quan trọng nữa. Bạn có đồng ý điểm này không?
Decide – Quyết định:
Sau đó khi làm rõ vấn đề, chúng ta sẽ quyết định cách trả lời. Câu trả lời có phải là thứ bạn cần quan tâm ngay lập tức không; và nếu có thì nó sẽ phù hợp với các ưu tiên khác của bạn như thế nào? Quyết định này sẽ khiến bạn ưu tiên giải quyết vấn đề ngay hay không và phù hợp với hoàn cảnh như thế nào.
Sau khi đã tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của Jidoka, bạn có thể áp dụng được nguyên tắc này vào khía cạnh nào cuộc sống không? Hãy để lại bình luận dưới đây nhé!
Nomuda.
One thought on “JIDOKA VÀ PHƯƠNG PHÁP PCD”