Trong số những tất cả những cuốn tự truyện của danh nhân đã từng đọc thì Tại sao chúng ta nghèo? là một trong những cuốn có tác động lớn sự thay đổi trong tư duy của tôi.

Đây là một cuốn tự truyên của Henry Ford, người sáng lập Tập đoàn Ô tô Ford, người được công nhận vì những đóng góp vĩ đại trong việc thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ và phát triển nguyên tắc “sản xuất là phục vụ xã hội”. 

Henry Ford là người đầu tiên áp dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt để chế tạo ô tô với giá rẻ, chất lượng tốt, khiến cho ô tô trở thành một món hàng hóa phổ thông, ai cũng có thể mua và sử dụng chứ không còn là một món xa xỉ phẩm như trước. Điều này không chỉ dẫn tới một cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh hiện đại.

Ford có một niềm đam mê bất tận đối với sản xuất chế tạo ô tô. Niềm đam mê đó đã khiến ông từ bỏ công việc quản lý lương cao ở công ty Điện Edison để thành lập công ty ô tô. Niềm đam mê đó cũng giúp ông vượt qua nhưng chông gai, sóng gió trên con đường kinh doanh của mình, mở ra một thời đại mà các nhà lý luận xã hội gọi đó là “Thời đại của Ford”.

Cuốn sách gồm 19 chương, mô tả từng chặng đường và lồng ghép vào đó là tư tưởng của một nhà lãnh đạo lớn.

Chương 1: Khởi nghiệp

Chương 2: Những điều tôi học được từ kinh doanh

Chương 3: Bắt đầu kinh doanh thực sự

Chương 4: Bí quyết của sản xuất và dịch vụ

Chương 5: Bắt đầu sản xuất

Chương 6: Máy móc và con người

Chương 7: Làm việc với máy móc có đáng sợ không?

Chương 8: Vấn đề tiền lương

Chương 9: Tại sao việc kinh doanh không phải lúc nào cũng tốt đẹp?

Chương 10: Sản xuất hàng giá rẻ bằng cách nào?

Chương 11: Tiền bạc và hàng hóa

Chương 12: Đồng tiền: Ông chủ hay đầy tớ?

Chương 13: Tại sao chúng ta lại nghèo?

Chương 14: Máy kéo và cơ giới hóa nông nghiệp

Chương 15: Tại sao lại cần có từ thiện?

Chương 16: Các công ty đường sắt

Chương 17: Vật chất nói chung

Chương 18: Nền dân chủ và công nghiệp

Chương 19: Chúng ta có thể mong đợi điều gì?

Xuyên suốt 19 chương này là 3 triết lý nổi bật.

Triết lý thứ nhất: Mục tiêu cao nhất của kinh doanh không phải là đồng tiền.

Trong thời kỳ đầu của công nghiệp xe hơi, các công ty sản xuất xe khác chỉ tập trung cho việc bán hàng kiếm tiền hơn là xây dựng mối quan hệ với khách hàng qua những sản phẩm mà công ty tạo ra. Ford có suy nghĩ ngược lại. Ông quan niệm rằng một công ty không phải chỉ là cỗ máy sản sinh ra tiền mà phải mang lại một điều gì đó để làm cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn, nếu làm được điều này thì lợi nhuận tự nhiên sẽ đến. Sau nhiều năm kinh doanh, ông đúc rút ra 3 điều luôn đúng cho mọi loại hình doanh nghiệp:

  • Nếu anh coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm của mình thì nó sẽ tiêu diệt sản phẩm của anh và phá hủy nền tảng của mọi dịch vụ.
  • Nếu anh chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mắt mà không quan tâm đến sản phẩm thì anh sẽ luôn sợ bị thất bại và nỗi sợ ấy sẽ cản trở việc kinh doanh. Nó khiến anh sợ hãi cạnh tranh và không dám thay đổi cách thức kinh doanh.
  • Thành công sẽ đến với những người luôn nghĩ đến mục đích phục vụ công chúng trước và luôn làm việc theo phương pháp hiệu quả nhất.

Triết lý thứ hai: Trả lương cao cho công nhân hơn bất kỳ doanh nghiệp cùng loại nào khác.

Ông cho rằng việc cắt giảm tiền lương có nghĩa là giảm sức mua và thu hẹp thị trường nội địa. Hoạt động kinh doanh sẽ không còn giá trị nữa nếu nó không được quản lý tốt để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho những người xung quanh.

Theo một báo cáo kỹ thuật viết vào thời gian đó thì “mức lương cao của Ford đã quét sạch sự chây lười và chống đối… Người lao động trở nên cực kỳ dễ bảo và có thể nói chắc chắn rằng từ hôm tất niên năm 1913 đó, không có ngày nào nhà máy của Ford không cắt giảm đáng kể chi phí của mình”.

Số người nghỉ việc giảm 75% và điều này cho thấy nỗ lực của công nhân tăng lên rất nhiều. Allan Nevins, một sử gia nghiên cứu thời kỳ đầu của Công ty Ford, đã viết: “Nhiều lần Ford và đồng nghiệp của ông ta đã tuyên bố công khai rằng chính sách tiền lương cao tỏ ra rất hiệu quả. Khi nói như vậy, họ muốn nhấn mạnh rằng nó góp phần nâng cao kỷ luật của người lao động, làm cho họ quan tâm và trung thành hơn với công ty, cũng như nâng cao hiệu quả cá nhân của họ”.

Ford cũng đã phát biểu: “Việc tăng lương, thưởng đáng được phải làm và phải làm sớm. Giúp những người làm việc ở công ty mình bảo đảm cuộc sống của họ là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Nếu chi lương cao không bảo đảm được quỹ kinh doanh là khuyết điểm của bản thân việc kinh doanh. Không bảo đảm được đời sống của người làm công cho mình là không đủ tư cách kinh doanh”.

Triết lý thứ ba: Nghèo đói bắt nguồn từ sự lãng phí.

Sự lãng phí theo ý của Ford được gây ra tự sự điều chỉnh thiếu nhịp nhàng giữa sản xuất và phân phối, giữa nguồn lực và sử dụng nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp sản xuất không có khả năng phân chia lợi nhuận không phải do họ không công bằng mà đơn giản là do sự lãng phí quá lớn khiến cho họ không có đủ lợi nhuận để chia đều cho những người liên quan.

Do đó, giải pháp xóa nghèo đói không phải là tiết kiệm tốt hơn mà làm sản xuất và làm việc hiệu quả hơn. Ông cũng cho rằng đối với cá nhân có 2 loại lãng phí: một là tiêu xài phung phí, hai là quá chậm chạp và để đồng tiền của mình nằm chết một chỗ, không sinh lời.

Qua triết lý này, ta có thể thấy rằng, đối với một doanh nghiệp, việc loại bỏ lãng phí, nâng cao hiệu quả chính là bí quyết giúp doanh nghiệp có được lợi nhuận.

Đối với cá nhân, giải pháp để xóa nghèo không phải là cứ mãi thắt lưng buộc bụng mà phải là đầu tư. Đầu tư nên được hiểu trước tiên là đầu tư vào bản thân để nâng cao khả năng làm việc hiệu quả, tiếp đến mới là đầu tư tiền bạc để sinh ra lợi nhuận. Tiếc rằng, trên thực tế, nhiều người mới chỉ hiểu được đầu tư trên khía cạnh tiền bạc mà quên mất việc đầu tư vào tri thức. Đó cũng là sự lãng phí lớn về nguồn lực của mỗi cá nhân, và cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta nghèo.

Nếu có điều kiện, bạn hãy tìm đọc cuốn sách này để hiểu rõ hơn về tư tưởng của Henry Ford TẠI ĐÂY!

15/08/2021

Nomuda.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *