Hầu hết các những người khởi nghiệp đều muốn kiếm được nhiều tiền, được nổi tiếng, trở thành niềm tự hào của gia tộc. Điều đó không hề sai, nhưng nếu tiền bạc, danh tiếng là động cơ duy nhất của người khởi nghiệp thì e rằng họ khó có thể duy trì sự nghiệp lâu dài.

Người ta thường hay nói rằng “Bạn bắt đầu vì cái gì thì sẽ kết thúc vì cái đó!”. Nghe qua câu này có vẻ phi lý nhưng thực tế lại chính xác tới không ngờ bạn ạ. Nếu kinh doanh chỉ vì tiền, thời gian đầu không kiếm được ra tiền, bạn sẽ bỏ cuộc. Nếu yêu một cô gái chỉ vì nhan sắc, khi cô ấy già xấu đi, bạn sẽ tìm đến người con gái khác. Trong xã hội này, có không biết bao nhiêu người mở lớp dạy kinh doanh, dạy làm giàu, nhưng làm thế nào để biến sự nghiệp kinh doanh trở nên có ý nghĩa, mang lại chân giá trị cho cuộc đời, có lẽ ít người biết được. Cuốn sách nhỏ này không đảm bảo bạn sẽ có được thành công trong kinh doanh nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn chọn được động cơ đúng đắn, nó sẽ cho bạn câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi “Doanh nhân là gì?”, “Kinh doanh rốt cuộc là gì?”

Doanh nhân tài ba Inamori Kazuo được mệnh danh là “vị thần kinh doanh” của Nhật Bản – người sáng lập công ty Kyocera, KDDI, người đã hồi sinh JAL khi sắp bước vào ngưỡng cửa phá sản.

Inamori Kazuo (sinh ngày 30/01/1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản) là nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, tập đoàn viễn thông KDDI, cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines. Ông được xem là vị thần doanh nhân của Nhật Bản với nhiều triết lý kinh doanh “ngược đời” và tư tưởng làm người mẫu mực.

Inamori Kazuo tốt nghiệp đại học Kagoshima năm 1955, thành lập Công ty TNHH gốm sứ Kyoto (nay là Tập đoàn Kyocera) vào năm 1959 chỉ với 8 nhân viên. 10 năm sau đó, Kyocera lên sàn chứng khoán tại Nhật Bản và phát triển thành công ty toàn cầu. Năm 1984, khi kinh doanh viễn thông được tự do hóa tại Nhật, Kazuo Inarmori thành lập DDI (nay là KDDI – hãng viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản đứng sau NTT Docomo).

Ông dùng tài sản riêng lập Quỹ Inamori vào năm 1984, tổ chức trao giải Kyoto Prize (còn được gọi là giải Nobel của Nhật Bản) cho một số lĩnh vực công nghệ cao, khoa học cơ bản, nghệ thuật và triết học.  

Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hãng Kyocera, ông quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Ông luôn hướng đến việc cống hiến giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hạnh phúc của con người, của toàn xã hội. 

Cuốn sách này được chia làm 3 chương.

Chương 1: Câu chuyện mang tên Inamori Kazuo

Chương này gồm 6 phần, là những lời tự sự của ông Inamori Kazuo về cuộc đời, về tư duy mang tính triết học của mình. Đây là cũng là chương hay và xúc động nhất trong cuốn sách.

Mục đích ban đầu của ông khi thành lập Kyocera cũng là vì bản thân mình “Giới thiệu kỹ thuật của Inamori cho toàn thế giới”. Nhưng sau 3 năm, ông nhận ra rốt cuộc nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Với những nhân viên trong công ty, ông nhận ra rằng điều tuyệt vời nhất là khi họ nghĩ: “được làm việc tại công ty này thì thật là tốt.” Ông đã thay đổi phương châm kinh doanh của công ty thành “Vì một tương lai hạnh phúc về cả vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể nhân viên”. Ông cũng nhận ra rằng đó mới là cách duy nhất để một công ty tồn tại và ngày càng phát triển. Không một nhân viên nào muốn đi theo một người lãnh đạo ích kỷ, lúc nào cũng đặt lợi ích về tiền bạc, công danh của bản thân lên trên lợi ích của tập thể. Có thể nói niềm vui khi gây dựng được cuộc sống hạnh phúc cho nhân viên là nhân, tiền bạc và sự nổi tiếng sẽ chính là quả của nhân đó.

Ở tuổi 78, khi danh tiếng đã trở nên vang dội và đang chuẩn bị nghỉ ngơi, ông lại được mời làm chủ tịch hội đồng quản trị của JAL, công ty lúc này đang trên bờ vực phá sản. “Từ chối” sẽ là lựa chọn an toàn của những người bình thường, đã có đầy đủ danh tiếng và tiền bạc, giả như ông thất bại thì danh tiếng cả cuộc đời ông sẽ sụp đổ. Tuy nhiên ông lại nhận lời vì ba lý do:

Thứ nhất: nếu để JAL phá sản thì đất nước sẽ thâm hụt ngân sách khi cần một nguồn vốn lớn để tái cơ cấu.

Thứ hai: Số lượng nhân viên 32.000 người sẽ đi về đâu? Do rất khó để bố trí công ăn việc làm cho số lượng nhân viên lớn như vậy điều này sẽ gây bất ổn xã hội.

Thứ ba: Khi JAL phá sản, ngành hàng không sẽ chỉ còn 1, 2 công ty cạnh tranh với nhau, giá cả sẽ trở nên đắt đỏ trong khi dịch vụ sẽ nghèo nàn hơn đối với người dân Nhật.

Không có lý do nào trong đó ông lựa chọn là cho bản thân mình.

Ông cho rằng vai trò của doanh nhân là bảo vệ và phát triển công ty của mình. Vì sao? Vì công ty có rất nhiều nhân viên, để bảo vệ được cuộc sống của nhân viên thì phải bảo vệ và phát triển công ty ngày một lớn mạnh. Đó mới chính là mục đích của kinh doanh. Tôi cho rằng, có lẽ, không có quan điểm nào về kinh doanh đúng đắn hơn thế.

Chương 2: Tâm tư của những học trò doanh nhân tài ba Inamori Kazuo

Chương này là một series những câu chuyện của các học viên khóa học Morikazu, khóa học mà ông mở ra để đào tạo lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xuyên suốt những câu chuyện này là tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với người thầy doanh nhân cao quý.

Chương 3: Rốt cuộc, doanh nhân là gì?

Nội dung trong chương này là lời bình và mong muốn của tòa soạn Nikkei Top Leader, mong sao cuốn sách có thể giúp cho các doanh nhân tìm được con đường đúng đắn trong sự nghiệp.

Phương pháp quản trị mà Inamori Kazuo đã sử dụng khi hồi sinh JAL cũng mang đậm triết lý này của ông: Phương pháp AMOEBA. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về phương pháp này và điều kiện áp dụng trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất ở bài viết tiếp theo nhé.

Nếu có điều kiện, bạn hãy tìm đọc cuốn sách này để hiểu thêm tư tưởng của Inamori Kazuo TẠI ĐÂY!

16/07/2021

Nomuda.

 

One thought on “REVIEW SÁCH: TRIẾT LÝ KINH DOANH INAMORI KAZUO”
  1. […] Amoeba là từ tiếng Anh chỉ loài amip – sinh vật đơn bào có khả năng tự sinh sôi bằng cách nhân đôi, tự thay đổi hình dạng để phù hợp với môi trường. Tương tự như vậy, hệ thống quản lý Amoeba cung cấp một phản ứng tự phát, cân bằng từ bên trong cho một thế giới kinh doanh được đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng, năng động. Tại Kyocera Group, 70.000 nhân viên được tách ra làm hơn 3000 nhóm amoeba, mặc dù con số chính xác dao động khi các đơn vị riêng lẻ phân chia, hợp nhất và tan rã. Khi phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau, mỗi Amoeba có chung mục tiêu chiến lược: cam kết về giá cả, chất lượng, giao hàng kịp thời và thể hiện các giá trị của công ty về công bằng, chính trực, siêng năng và lương thiện. Mỗi đơn vị, thường bao gồm từ 5 đến 50 nhân viên, hoạt động độc lập và phối hợp với các Amoeba khác để đạt được mức tăng trưởng có lãi. Văn hóa của Kyocera cũng phải phù hợp để đáp ứng được mục tiêu này. […]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *