Còn nhớ năm đầu tiên khi mới chuyển sang làm lĩnh vực Logistic, tôi lúc bấy giờ vừa bỡ ngỡ, háo hức và tràn đầy tự tin. Tôi tự nhủ những kiến thức của 4 năm học đại học giờ đây thế là đã có đất để dụng võ. Trong quá trình làm việc với các forwarder, tôi cố gắng trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm thực tế khi đi thông quan, kinh nghiệm tra cứu và áp mã HS… Dần dần, tôi đã có thể thực hiện được một số các công đoạn thay cho họ.
Năm 2011, Thái Lan phải hứng chịu một đợt lũ lụt lớn khiến nước bạn chịu nhiều tổn thất. Nhiều nhà máy sản xuất ở Thái Lan phải đóng cửa. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ đứt gãy.
Trước tình huống đó, nhà máy mà tôi làm việc chịu trách nhiệm xuất khẩu một lô hàng lớn sang Thái Lan để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho khách hàng. Tôi phải lấy báo giá vận chuyển đường hàng không, tính toán cước phí và đưa sang bộ phận khác tính giá bán hàng hóa.
Báo giá của forwarder thể hiện các mức cước hàng không khác nhau theo cân nặng:
- Dưới 45kg
- Từ 45 đến dưới 100kg
- Từ 100 đến dưới 250kg
- Từ 250 đến dưới 500kg
- Từ 500 đến dưới 1000kg…
Khi tính toán theo cân nặng như vậy thì cước vận chuyển không quá cao, giá hàng do đó cũng rất phù hợp và khách hàng đồng ý ngay với báo giá của chúng tôi.
Sau khi xuất khẩu hàng, forwarder gửi airway bill và hóa đơn cước, tôi mới tá hỏa vì chi phí trong hóa đơn cao hơn rất nhiều so với tính toán của tôi ban đầu. Hỏi ra thì mới biết hóa ra tôi tính cước dựa trên Gross weight chứ không phải Chargeable weight. Forwarder nghĩ rằng cách tính đó là quy ước quốc tế, một người làm nghề không thể không biết đến nên đã không thông báo cụ thể trước cho tôi. Thế là, do không biết cách tính cước hàng không theo quy định quốc tế, tôi đã vô tình gây thiệt hại cho công ty.
Trong quá trình làm việc, rất nhiều điều mà chúng ta không biết sẽ dẫn tới thiệt hại cho tổ chức. Vì vậy, luôn luôn học hỏi và tìm hiểu những những kiến thức liên quan tới công việc của mình, thậm chí của bộ phận khác trong công ty là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp bạn tránh rơi vào những cái bẫy vô hình, đôi khi còn có thể “cứu mạng” chúng ta trong một số trường hợp hi hữu.
Sau “tai nạn” ấy, tôi đã tìm hiểu thêm về cách tính cước trong vận chuyển đường biển, đường không.
Trước khi đi vào tính toán cụ thể, chúng ta cần hiểu các khái niệm trước đã nhé.
Gross Weight (Trọng lượng thực tế): Là trọng lượng cân nặng thực tế bao gồm cả hàng hóa lẫn trọng lượng của bao bì – Đơn vị tính thường là Kg.
Volume Weight (Trọng lượng thể tích): Là trọng lượng tính theo thể tích, quy đổi từ kích thước của kiện hàng – Đơn vị tính thường là Kg
Chargeable Weight (Trọng lượng tính cước): Là trọng lượng lớn hơn so sánh giữa Gross weight và Volume Weight – Đơn vị tính thường là Kg.
Cách tính cước trong vận chuyển hàng không quốc tế:
- Tính Gross Weight: chỉ cần cân thực tế 1 kiện hàng rồi nhân với tổng số kiện là xong.
Gross Weight = Số lượng kiện * số cân nặng thực tế cả bao bì của 1 kiện
- Tính Volume Weight theo công thức dưới đây:
Volume Weight = Số lượng kiện * Kích thước kiện (Dài x Rộng x Cao) (cm) /6000
Ví dụ:
Một kiện hàng gồm 8 pallet
1 pallet có cân nặng là 50 kg
Kích thước 1 pallet là: 1m x 1.2m x 1m = 100 x 120 x 100 (cm)
Gross weight = 8 x 50 = 400 kg.
Volume weight = 8 x (100x120x100)/6000 = 1600kg.
Như vậy, so sánh giữa Gross weight và Volume weight thì volume weight lớn hơn (1600kg > 400kg), do đó Chargeable Weight sẽ tính trên 1600 kg chứ không phải là 400 kg.
Đối với cước vận chuyển hàng không chuyển phát nhanh, công thức áp dụng có thể là:
Volume Weight = Số lượng kiện * Kích thước kiện (Dài x Rộng x Cao) (cm) /5000
Cước phí trong vận tải hàng không được quy định trong các biểu cước thống nhất. Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế – IATA (International Air Transport Association) đã đưa ra quy định về quy tắc, cách thức tính cước này.
Vì sao các công ty vận tải phải tính giá cước theo trọng lượng thể tích?
Lý do là khi bạn kinh doanh một dịch vụ với không gian chứa hàng có hạn như vận tải bằng máy bay, tàu thủy… thì việc áp dụng cách tính cước theo trọng lượng thực tế sẽ là không công bằng đối với các mặt hàng cồng kềnh chiếm nhiều diện tích nhưng có trọng lượng vô cùng nhẹ.
Ví dụ: 20 tấn sắt thì chứa trong 1 cont, mới hết 1/5 thể tích nhưng vượt mức cho phép đóng hàng không thể đóng thêm
- 20 tấn lông ngỗng thì cần khoảng 3 cont để đóng hàng
- Thế nên tính theo cái nào lớn hơn đảm bảo yếu tố chi phí và khả năng vận tải của hãng vận tải
Cách tính cước trong vận chuyển đường biển quốc tế:
Tương tự như cách tính của vận tải hàng không, vận chuyển đường biển cũng áp dụng chargeable weight là trọng lượng lớn hơn giữa gross weight và volume weight đối với hàng LCL (Less than container loaded – hàng không xếp đủ 1 cont, phải đóng ghép với hàng khác)
- Gross weight: lấy số kg thực tế 1 kiện hàng rồi nhân với tổng số kiện
- Volume weight: tính theo quy tắc CBM (cubic mettre – mét khối), 1 CBM = 1000kg.
Ví dụ:
Một kiện hàng gồm 8 pallet
1 pallet có cân nặng là 50 kg
Kích thước 1 pallet là: 1m x 1.2m x 1m
Gross weight = 8 x 50 = 400 kg.
Volume weight = 8 x (1×1.2×1) = 9.6 m3 = 9.6 CBM = 9,600kg.
Như vậy, so sánh giữa Gross weight và Volume weight thì volume weight lớn hơn (9,600kg > 400kg), do đó Chargeable Weight sẽ tính trên 9,600 kg chứ không phải là 400 kg.
Các bạn đã hiểu hơn về cách tính cước vận chuyển chưa? Hãy thử tính cước vận chuyển hàng không của lô hàng dưới đây và ghi đáp án vào comment bạn nhé.
Lô hàng:
12 thùng nước, 1 thùng 12 chai, 1 chai 2 lit nước ( 1 lit = 1 kg)
Kích thước 1 thùng hàng: 90cm(L) x 30cm(W) x 40cm(H)
Đơn giá cước vận chuyển: 1.8 USD/kgs (áp dụng cho lô hàng trên 100 kgs)
Hãy tính cước vận chuyển của lô hàng này.
Trên đây là cách tính cước được quy định trong vận tải quốc tế. Hi vọng nội dung trên có thể giúp ích hơn trong công việc của bạn!
26/08/2021
Nomuda.