Nhắc tới JIT, không thể không nhắc tới 3 nhân tố chính là: TAKT TIME, LUỒNG MỘT SẢN PHẨM (One piece flow), SẢN XUẤT KÉO (Pull system).
1. Takt time
Takt time là tốc độ bạn cần hoàn thành một sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ví dụ: nếu bạn nhận được một đơn đặt hàng sản phẩm mới sau mỗi 4 giờ, bạn cần hoàn thành một sản phẩm trong 4 giờ hoặc ít hơn để đáp ứng nhu cầu.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ từ tiếng Đức “takt”, có nghĩa là một nhịp hoặc một xung. Takt time lần đầu tiên được sử dụng làm thước đo vào những năm 1930 ở Đức để sản xuất máy bay. Hai mươi năm sau, nó đã góp phần không nhỏ đưa Toyota từ một nhà sản xuất ô tô nhỏ của Nhật Bản trở thành công ty ô tô lớn nhất thế giới.
Biết được takt time, bạn có thể tối ưu hóa công suất của mình theo cách phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu mà không cần dự trữ quá nhiều hàng tồn kho.
Làm thế nào để xác định Takt Time?
Để xác định takt time, bạn cần chia thời gian sản xuất có sẵn theo nhu cầu của khách hàng.
Cách tính takt time như sau:
Trong đó thời gian sản xuất có sẵn = tổng thời gian sản xuất – thời gian nghỉ – thời gian dừng do các lý do bảo trì, chuyển ca…
Ví dụ:
Thời gian có sẵn của 1 người công nhân lắp ráp là 7 tiếng/ngày (trừ 1 tiếng nghỉ) = 7×60 = 420 phút.
1 ngày khách hàng đặt 210 sản phẩm, như vậy takt time của 1 sản phẩm = 420/210 = 2 phút
Ý nghĩa của Takt time chính là lượng thời gian khả dụng với số lượng đặt hàng. Nếu Takt time nhỏ hơn cycle time chứng tỏ bạn đang thiếu công suất sản xuất so với lượng đặt hàng của khách hàng. Đối sách cho vấn đề này có thể là làm thêm, thuê gia công bên ngoài, tuyển dụng thêm nhân lực… Ngược lại, Takt time nhỏ hơn cycle time nghĩa là bạn đang dư thừa công suất. Đối sách cho vấn đề này là cần nhận thêm đơn đặt hàng từ khách hàng hoặc giảm bớt lượng nhân công không cần thiết.
2. Luồng một sản phẩm (One piece flow)
One piece flow là một khái niệm sản xuất tinh gọn nhằm đạt được một luồng sản xuất đơn nhất trái ngược với cách tiếp cận sản xuất ‘hàng loạt’. Nói một cách dễ hiểu, nó có nghĩa là chế biến từng sản phẩm một. Một đơn vị sản phẩm duy nhất luân chuyển giữa các quá trình khác nhau. Vì chỉ có một đơn vị sản phẩm nên không có thời gian chết giữa các quá trình. Luồng một sản phẩm còn được gọi là Xử lý luồng liên tục hoặc Xử lý luồng đơn.
Áp dụng luồng một sản phẩm đem lại những lợi ích nào?
2.1. Cải thiện chất lượng và ít sai sót hơn trong sản xuất
Sản xuất theo lô có lợi trong một số trường hợp nhất định, nhưng nguy cơ lỗi cao hơn đáng kể vì cần phải di chuyển, đếm, lưu trữ và tuyển chọn nhiều hàng tồn kho hơn. Với luồng một sản phẩm, các khuyết tật – hoặc các vấn đề về chất lượng – chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận duy nhất. Do đó, các nhà điều hành không bắt buộc phải dành thời gian công sức để kiểm tra vật liệu khác trong cùng một đợt sản xuất để tìm các vấn đề về chất lượng. Thay vào đó, các nhà khai thác có thể truy tìm lại quy trình làm việc cho từng phần và xác định các hành động khắc phục để đảm bảo sự cố sẽ không tái phát.
2.2. Giảm hàng tồn kho
Mỗi thao tác sẽ chỉ cần tạo ra những gì cần thiết cho người vận hành tiếp theo. Khi được tuân thủ đúng cách và tận dụng khả năng xử lý vật liệu tự động, quy trình này sẽ loại bỏ những mặt hàng bán thành phẩm dư thừa so với nhu cầu của khách hàng.
2.3. Yêu cầu ít diện tích kho hơn
Khi mức tồn kho được giảm xuống, cần ít không gian và nhân lực hơn để quản lý (nhận, đếm, nhập kho, lưu trữ, chọn và giao hàng). Luồng một sản phẩm yêu cầu các vị trí làm việc được tối ưu hóa để một người vận hành duy nhất có thể giám sát nhiều phần của thiết bị với chuyển động tối thiểu.
2.4. Tăng cường tính linh hoạt trong sản xuất tổng thể
Lượng hàng tồn kho ít hơn sẽ cho phép thời gian bán hàng giảm xuống, do đó cung cấp nhiều thời gian hơn để điều chỉnh sản xuất với các đơn đặt hàng của khách hàng.
2.5. Giúp việc xác định Kaizen trong tương lai trở nên dễ dàng hơn
Các lỗi tiềm ẩn và hàng tồn kho WIP sẽ giảm xuống, trong khi các vấn đề trong xưởng sản xuất sẽ trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ: nếu các vấn đề liên quan đến takt time hoặc WIP, nó sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng và có thể thực hiện các thay đổi ngay lập tức để giải quyết chúng.
2.6. Đảm bảo một môi trường làm việc an toàn hơn
Tồn kho ít hơn có nghĩa là ít lộn xộn hơn, tạo cơ hội để cải thiện cách bố trí thiết bị trong trạm làm việc và bố trí của các ô.
2.7. Cải thiện tinh thần của nhân viên
Các vấn đề sản xuất được xác định ngay lập tức, mang lại cho các nhà quản lý giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn, tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn cho người công nhân.
3. Sản xuất kéo
Sản xuất kéo là chiến lược trái ngược với sản xuất đẩy. Có thể hiểu nôm na rằng chiến lược sản xuất đẩy là không dựa vào nhu cầu đặt hàng thực tế mà sản xuất ra để lưu kho sau đó đẩy hàng hóa ra thị trường để tiêu thụ (Make to Stock).
Chiến lược sản xuất kéo ngược lại, dựa trên đơn đặt hàng, sau đó mới sắp xếp mua nguyên liệu, sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực tế đã có (Make to Order).
Sự khác biệt cơ bản nhất của hai chiến lược sản xuất này chính là sản xuất dựa trên dự báo của thị trường hay dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Sản xuất đẩy thích hợp đối với một số loại hình sản phẩm có yếu tố dưới đây:
- Sản phẩm mang tính thời trang, mùa vụ: như quần áo, các chương trình giải trí, trang sức cao cấp… mà người tiêu dùng không có tính chắc chắn về nhu cầu.
- Thị trường dành cho sản phẩm ở giai đoạn sơ khai, nhu cầu cao… sản xuất với số lượng lớn sẽ làm giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm mà doanh nghiệp không gặp rủi ro do không bán được hàng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về sản xuất đẩy và kéo tại bài viết dưới đây.
SẢN XUẤT KÉO & ĐẨY
Trên đây là 3 nhân tố cơ bản nhất của JIT. Để thực hiện JIT, không thể thiếu ba nhân tố này và các công cụ bổ trợ như Kanban, Andon…
Chúc các bạn luôn thành công trong công việc!
06/03/2022
Nomuda.