2 kiến thức và 3 kỹ năng của người quản lý

(Phần 1)

Khi mới đi làm, chúng ta thường sẽ bắt đầu ở vị trí thấp nhất. Trải qua thời gian lao động, tự học tập và được đào tạo bởi cấp trên, ta sẽ dần dần tiến bộ và có thể trở thành người quản lý.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người quản lý là phải đào tạo được người có thể thay thế mình trong tương lai. Một số công ty thậm chí đã đưa điều này vào KPI hàng năm. Vì lý do này và vì người quản lý muốn cấp dưới chịu một số trách nhiệm thay cho mình, nên thực tế đã xuất hiện một số lượng nhân viên được thăng cấp thành quản lý dù chưa đủ khả năng.

Tại Toyota, quản lý được yêu cầu phải có đủ hai kiến thức và ba kỹ năng. Nếu không đạt, họ sẽ không thể được phê duyệt thăng cấp. Chúng ta hãy cùng xem đó là những kiến thức và kỹ năng nào.

2 kiến thức và 3 kỹ năng của người quản lý

Hai kiến thức

1. Kiến thức về công việc

Thông thường, ai cũng hiểu là người quản lý cần nắm rõ kiến thức công việc của bộ phận mình. Ví dụ: phòng thiết kế phải có biết đọc bản vẽ sản phẩm, biết sử dụng phần mềm thiết kế và ứng dụng trên phần mềm gia công như thế nào.

Tuy nhiên, đối với cấp quản lý, phạm vi công việc nắm bắt cần rộng hơn, kiến thức công việc cần phải nhớ cũng tăng lên.

Ngoài phạm vi công việc của mình, anh hay cô ta cần nắm được công đoạn trước và sau của công đoạn mà mình đảm nhiệm. Nếu chỉ tập trung vào bộ phận mà mình được giao phó, người quản lý dễ nảy sinh tư duy ích kỷ, chỉ cần biết làm tốt cho mình, không quan tâm tới tổng thể công ty.

Trên thực tế, thực hiện điều này không dễ dàng chút nào. Những người quản lý sẵn lòng suy nghĩ cho tổng thể không nhiều. Đa phần họ chỉ cố gắng làm tốt công đoạn của mình, cho rằng mình đã hết trách nhiệm, việc còn lại là phần của người khác, họ xoay sở thế nào không phải là trách nhiệm của mình.

Đây là tư duy không nên có ở người quản lý. Nếu một nhân viên giỏi nghiệp vụ có tư duy như thế này và không muốn thay đổi, anh ta không nên được thăng chức. Bởi vì người quản lý có tư duy sai, không chỉ gây hại cho bộ phận của anh ta mà cho toàn bộ các phòng ban liên quan.

2. Kiến thức về trách nhiệm

Ngoài kiến thức về chuyên môn công việc, thứ còn lại là kiến thức về trách nhiệm.

Đây chính là việc nắm rõ các quy định, luật lệ trong nội bộ công ty và quy định của pháp luật Nhà nước trong quá trình làm việc.

Ví dụ: Trong luật Lao động thì không được để cấp dưới làm thêm quá bao nhiêu tiếng, thời gian nghỉ ngơi tối thiểu giữa các ca là bao nhiêu? Tiền lương làm thêm ngoài giờ ngày bình thường là bao nhiêu, ngày thứ 7, chủ nhật và ngày nghỉ lễ là bao nhiêu? Công nhân vi phạm quy định thì chịu kỷ luật ở mức độ nào? Theo luật hải quan thì loại hình nhập khẩu nào không phải nộp thuế nhập khẩu, điều kiện là gì?

vv…

Ngoài ra có cả các quy định về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy… Nắm được những luật lệ đó và hướng dẫn lại cho nhân viên cách thực hiện, lý do phải thực hiện là trách nhiệm của người quản lý.

(Còn tiếp)

14/10/2021

Nomuda

One thought on “HAI KIẾN THỨC VÀ BA KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *