(Phần 2)
Trong một tổ chức, ta có thể thấy tốc độ thăng tiến của mỗi cá nhân là khác nhau. Có người vào công ty sau, tuổi tác ít hơn nhưng do chăm chỉ học hỏi và nỗ lực hết mình, tinh thần trách nhiệm cao nên chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành quản lý. Thậm chí họ còn là cấp trên của những người lớn tuổi, có thâm niên hơn mình.
Những người có tốc độ thăng tiến chậm, không có nghĩa là bị loại ngay khỏi cuộc đua. Sau một thời gian, họ chợt bừng tỉnh, nắm bắt cơ hội tăng tốc rồi lúc nào đó có thể vượt lên trên những người đi trước. Để có thể bứt phá ngoạn mục như vậy, không thể thiếu cơ chế đào tạo nhân viên nghiêm túc và chuẩn mực.
Để giúp mỗi nhân viên có thể thăng tiến và trở thành những trụ cột giúp cho công ty ngày càng phát triển, người quản lý cần có thêm 3 kỹ năng ngoài 2 kiến thức mà chúng ta đã đề cập ở phần 1.
Ba kỹ năng của người quản lý
1. Kỹ năng đào tạo
Kỹ năng đào tạo có thể nói nôm na là kỹ năng dạy việc. Nhân viên mới vào thường được những người đi trước chỉ dẫn qua thực tế công việc. Một số công ty không có tiêu chuẩn đào tạo, nhân viên chỉ được truyền miệng và bắt tay vào công việc ngay.
Việc thiếu tiêu chuẩn đào tạo và dạy theo kiểu truyền miệng dẫn tới kiến thức được truyền đạt dễ bị thiếu sót, nhầm lẫn. Người học việc nhanh quên, đôi khi hiểu lầm ý của người dạy.
Chính vì thế, việc xây dựng các tiêu chuẩn hướng dẫn thao tác – SOM (Standard of manual) là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người quản lý. Tiêu chuẩn này bao gồm việc mô tả chi tiết các thứ tự thao tác, những điểm cần chú ý, những sai lầm trong quá khứ liên quan tới các bước đó.
Xây dựng tiêu chuẩn, sử dụng tiêu chuẩn này để đào tạo cho cấp dưới, đồng thời liên tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là kỹ năng đầu tiên của người quản lý. Nếu quản lý không hiểu công việc của cấp dưới, anh ta sẽ không thể làm được tiêu chuẩn và cũng không thể đào tạo được cho họ cũng như hỗ trợ họ trong công việc.
2. Kỹ năng dùng người
Rất nhiều người quản lý sau khi được thăng chức thì vẫn giữ tác phong, nền nếp như lúc còn là nhân viên. Nếu nhìn thấy cấp dưới mắc sai lầm, trốn việc đi chơi, anh ta sẽ không nhắc nhở mà bao che cho họ vì sợ bị cấp dưới ghét.
Những người quản lý này nhìn sơ qua thì rất dễ chịu, hòa đồng nhưng kỳ thực lại khiến cho nhân viên của mình không thể phát triển được.
Ngược lại, một số người mới được thăng chức trong lòng tràn đầy nhiệt huyết. Anh ta liên tục thúc đẩy cấp dưới phải hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch, đề ra những mục tiêu quá sức, đôn đốc, giám sát không ngơi nghỉ khiến cho mọi người đều cảm thấy áp lực và sinh lòng oán hận.
Chính vì vậy, giao tiếp trong công việc là một kỹ năng mềm rất quan trọng. Người quản lý phải dung hòa được giữa vai trò giám sát, đôn đốc và vai trò hướng dẫn, tạo động lực. Nếu thiếu đi một trong hai hoặc quá thiên về bên nào, bộ phận của anh hay cô ta sẽ vận hành một cách rất khó khăn.
3. Kỹ năng kaizen
Đây là kỹ năng bắt buộc của bất cứ người quản lý nào. Để rèn luyện kỹ năng này, người nhân viên phải thường xuyên được đào tạo và thực hành về cách phát hiện vấn đề, cách giải quyết vấn đề.
Một người nhân viên không nhìn ra vấn đề còn tồn tại trong tổ chức và làm thế nào để cải tiến thì anh ta đủ khả năng để trở thành người quản lý.
Kỹ năng kaizen của người quản lý sẽ giúp tổ chức đạt được trạng thái lý tưởng. Chức vụ cao thì chủ đề cải tiến cũng phải ở cấp độ cao hơn.
16/10/2021
Nomuda