Khái niệm Mizusumashi được giới thiệu và đưa vào sử dụng tại các nhà máy khoảng giữa năm 1950, khi hệ thống sản xuất Toyota (TPS) được nghiên cứu và phát triển mạnh ở các công ty sản xuất. Ngay cả đối với các lĩnh vực không mấy liên quan như y tế, thì Mizushumashi cũng có thể phát huy vai trò của mình một cách tốt nhất.

Mizusumashi là gì?

Trong tiếng Anh, Mizusumashi được dịch là Waterspider có nghĩa là nhện nước. Nhện nước là loài côn trùng sống trên mặt nước, với đôi chân dài và mảnh khảnh, trọng lượng cơ thể nhẹ, nhện nước có thể dễ dàng đi lại trên mặt nước. Mizusumashi được ví như nhện nước nhờ vào khả năng di chuyển nhanh nhẹn và luôn giữ được thăng bằng ở hai môi trường kho nguyên vật liệu và dây chuyền sản xuất. Thông thường, nhện nước di chuyển trên mặt nước nhằm lấy và bỏ “nguyên liệu”. Với Mizusumashi, thì không chỉ là di chuyển mà còn thông qua những di chuyển của mình, tiếp ứng nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất, giữ cho dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục, loại bỏ lãng phí về thời gian và thao tác thừa, nâng cao năng suất lao động.

Mizusumashi sẽ điều phối, quản lý việc lưu trữ, sử dụng nguyên liệu vật liệu ở mức hợp lý. Trong ngôi nhà Toyota, M thuộc nhóm hỗ trợ sản xuất đúng lúc – Just in time. Một quản lý Mizusumashi phải điều hành mọi công việc trong dây chuyền sản xuất, chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của chuyền, đồng thời phải bao quát được toàn bộ tình hình và phản ứng linh hoạt trước các tình huống diễn ra trong thực tế.

Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của một Mizusumashi, các bạn hãy xem hình dưới đây nhé:

Mizusumashi di chuyển từ kho nguyên liệu, lấy vừa đủ số lượng hàng cần cho các dây chuyền sản xuất, di chuyển theo quãng đường ngắn và thuận tiện nhất để cung cấp nguyên liệu còn thiếu, sau đó thu lại các thùng trống, rác thải về nơi quy định. Ngoài ra Mizusumashi có thể làm thêm các công việc như cập nhật thông tin trên bảng quản lý sản lượng sản xuất hoặc giám sát công nhân mới.

Ta có thể thấy rằng mục tiêu chính của Mizusumashi là giữ cho người công nhân sản xuất luôn có nguyên liệu, do đó, người lao động có thể tập trung vào công việc và không cần phải rời khỏi vị trí của họ. Những công việc theo chu kỳ (người công nhân sản xuất) và công việc không theo chu kỳ (Mizusumashi) đã được tách biệt để nâng cao hiệu quả.

Công việc của Mizusumashi không nhất thiết phải lặp lại giống hệt nhau. Mizusumashi không nhất thiết phải dừng lại ở mọi hộp đựng nguyên liệu mọi lúc, mà thay vào đó, họ sẽ đến bất cứ nơi nào cần. Sơ đồ xưởng lắp ráp thường được bố trí sao cho tuyến đường đi của các Mizusumashi được thuận tiện nhất, không làm phiền đến công nhân. Cách di chuyển của một Mizusumashi cũng tương tự như người lái xe tải trên tuyến đường Milk run đã được đề cập ở một bài viết trước.

Các Mizusumashi cung cấp nguyên vật liệu nhẹ hơn có thể dùng bằng tay, nếu họ di chuyển vật liệu nặng hơn thì họ sẽ dùng các công cụ hỗ trợ như pallet, xe đẩy hoặc thiết bị tương tự.

Mizusumashi cũng có thể làm các công việc phụ như đóng gói lại các mặt hàng để giúp công nhân dễ dàng hơn. Đối với hộp, M có thể tháo nắp hoặc bao bì. Đối với các vật dụng nhỏ hơn như đinh vít có thể được lấy ra khỏi hộp trước khi đổ vào khay đựng nguyên liệu, hoặc máng trượt để tối ưu hóa thời gian sản xuất cho người công nhân. Mizusumashi cũng có thể đóng gói hàng thành phẩm như chằng buộc lên pallet hoặc sắp xếp lên xe đẩy trước khi nhập hàng vào kho thành phẩm.

Việc cung cấp vật liệu bởi các Mizusumashi thường được áp dụng trong một hệ thống sản xuất kéo. Ngay các khi Mizusumashi có sử dụng Kanban hay không, đó vẫn là hệ thống kéo khi tần suất, số lượng nguyên liệu cung ứng của Mizusumashi được xác định bằng thời gian sử dụng nguyên liệu của các dây chuyền sản xuất.

Lợi ích của việc áp dụng Mizusumashi

  1. Đảm bảo sản xuất ổn định.

Khi M làm các công việc phụ, công nhân trực tiếp sản xuất không phải lo nhiều nhiệm vụ khác nhau như đi lấy nguyên liệu, đóng gói, dọn dẹp rác thải… họ có thể tập trung giải quyết các công việc chính, để từ đó nâng cao năng suất, giảm lãng phí cũng như giảm lỗi do mất tập trung trong công việc. Có thể nói Mizusumashi đóng vai trò cốt yếu trong sản xuất tinh gọn. Ngoài việc cung ứng nguyên liệu, họ còn có trách nhiệm thông tin đến dây chuyền sản xuất, kế hoạch sản xuất, các thông tin nội bộ trong nhà máy, quan sát và phát hiện sớm các vấn đề không phù hợp để xử lý triệt để hơn.

  1. Giảm thiểu thay đổi và đảm bảo cải tiến liên tục.

Mizusumashi có thể giúp tăng năng suất, giảm số lượng người trong một dây chuyền, đảm bảo xuyên suốt dòng chảy nguyên liệu ra sản xuất, giảm lãng phí, giảm thời gian chờ và lưu kho.

  1. Đảm bảo môi trường làm việc khoa học.

Để áp dụng Mizusumashi, việc bố trí các dây chuyền sản xuất phải khoa học và phù hợp. Từ Mizusumashi trong tiếng Nhật có nghĩa là “làm cho nước sạch hơn” hay “nước sạch”. Thực tế, nhờ vào việc di chuyển liên tục để vận chuyển nguyên liệu, phế phẩm… từ nơi lưu trữ tới nơi cần thiết, thời gian lưu kho của nguyên liệu, thành phẩm và phế phẩm giảm xuống, giúp cho khu vực sản xuất lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp với các thao tác trong công đoạn tại dây chuyền giống hệt nhau là đối tượng hoàn hảo nhất để áp dụng Mizusumashi. Tuy nhiên, công việc của Mizusumashi cũng có thể áp dụng đối với các phụ tá trong phòng mổ, các trợ giảng… để giúp người thực hiện công việc chính tập trung hơn vào công việc của mình, nhằm đạt chất lượng và năng suất cao hơn.

Nomuda.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *